A+ A A-

Đi đường dài với Tuồng

     Những tài năng nhỏ, có tố chất và cảm được bộ môn nghệ thuật Tuồng đồ, ở độ tuổi từ 14 đến 16, sẽ được đào tạo và học tập chính quy trong 4 năm tại Trường Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Từ đây, những người yêu tuồng có quyền hy vọng về một ngày khởi sắc của bộ môn nghệ thuật truyền thống khá kén người này…

    Vun những hạt mầm

    Có những người chưa bao giờ thôi nghĩ cách để phục hưng lại Tuồng đồ. Và cũng chính họ, ngày đêm tìm đủ mọi đường để sân khấu tuồng, dẫu ở góc đình, hay trước những vuông sân công cộng, cũng giữ những lề lối cổ truyền. Nghĩ xa hơn, họ vực tuồng dậy từ những lứa tuổi nhỏ, là con, là cháu của chính những người dân mê tuồng. Dĩ nhiên, phương thức này phải tìm được sự đồng điệu của lớp trẻ. Cũng đã ngót nghét 6 năm, cụ Nguyễn Quỳnh - một người mê tuồng như cơm ăn nước uống, bền bỉ đi tìm lớp kế thừa. Sân khấu học đường, với dự án đưa tuồng vào trường học ở Duy Xuyên, đã khởi đi những tia nhìn tươi sáng. Những lớp học tuồng già dặn theo thời gian. Những đứa trẻ mê tuồng và biết diễn tuồng, cũng bắt đầu lớn lên. Và chúng, đang khấp khởi bước bằng niềm say đắm được truyền lại từ ông lão tuổi đời đã chuẩn bị cho một cuộc đi dài. Đoàn Kim Ngân và Trần Minh Châu, một trong 14 em ở Quảng Nam được chọn trong danh sách tuyển diễn viên tuồng của nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh, đã lớn lên và chọn đi vào con đường nghệ thuật trúc trắc này, từ chính sự phát hiện của cụ Nguyễn Quỳnh.

    Một tiết mục trong chương trình Đưa tuồng cổ vào trường học của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Một tiết mục trong chương trình Đưa tuồng cổ vào trường học của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.   

   Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, những ngày này tất bật hơn. Những nghệ sĩ đang bắt tay vào thực hiện đề án “Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” do Bộ VH-TT&DL xây dựng. Ở bộ môn nghệ thuật Tuồng, Bộ VH-TT&DL giao cho các đơn vị biểu diễn tuồng chuyên nghiệp ở miền Trung tổ chức tuyển chọn các em. Đợt sơ tuyển đầu tiên, trong tổng số 19 diễn viên được chọn vào chung tuyển do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức, Quảng Nam có 14 em. Các em chủ yếu ở những vùng có truyền thống về biểu diễn nghệ thuật tuồng và cho đến bây giờ, ngọn lửa mê say ấy vẫn còn đượm, như Duy Xuyên, Hiệp Đức, Tiên Phước, Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn. Đại diện Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, chọn sơ tuyển tại 5 địa phương, trong đó có cả ở những vùng rất xa như xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), hoặc những địa phương lâu nay thường xuyên tổ chức các kỳ liên hoan nghệ thuật tuồng, như Duy Xuyên, Quế Sơn, bởi tại những nơi người yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống này đông, chắc chắn ở đó sẽ còn có những tài năng, những đam mê tuổi nhỏ. Giống như cụ Nguyễn Quỳnh, khi tìm ra những em như Kim Ngân, Minh Châu, đã không thể giấu đi niềm vui của mình. “Khi đã tìm ra các em này, niềm hy vọng trong tôi lớn lắm. Tôi tin tuồng vẫn sẽ sống, thậm chí sống tốt từ những hạt nhân này” - cụ nói.

   Nuôi giấc mơ nghệ sĩ Tuồng

   Bảo tồn, phát triển và kích thích mê say ở tuổi trẻ rất cần những cuộc liên hoan thường niên ở các địa phương như vậy. 

    Đoàn Kim Ngân, một tài năng được tìm kiếm từ chương trình “Đưa tuồng vào trường học” do cụ Nguyễn Quỳnh sáng lập, luôn là niềm hy vọng của những người làm văn hóa địa phương ở Duy Xuyên. Tin cậy Ngân, bởi em có một sắc vóc sáng sân khấu là một, nhưng chính giọng hát cùng say mê của em khiến những ai từng xem em thủ vai Trưng Trắc trong vở Trưng Vương đề cờ, đều nuôi niềm tin ở cô bé này. Cũng như Ngân, từ xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), Lê Văn Tiện – một cậu con trai vùng núi khá nhút nhát nhưng khi em cất giọng, như thể gom những âm vực mạnh mẽ của núi rừng để vào vai một trí tướng nhỏ tuổi. Từng bước đi hia, từng điệu nhấn nhá, bản năng tiềm ẩn của một tài năng Tuồng đồ làm cho mọi thứ ở em trở nên trọn vẹn hơn. Hay Trần Thị Diệu, Trần Thị Phương, từ Nông Sơn, nghe tin Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức sơ tuyển diễn viên ở Quế Sơn, các em nài nỉ cha mẹ chở qua đèo để được tham gia tuyển chọn cùng bạn bè, “vì em lỡ rất mê tuồng”… Các em với ánh nhìn trong veo, đang nuôi trong mình những giấc mơ tương lai, trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp với mê say bộ môn này.

    Trung tuần tháng 8, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ tổ chức để các em  ra Hà Nội chung tuyển. Và trong khóa học do đề án của Bộ VH-TT&DL tài trợ, nghệ thuật Tuồng sẽ có khoảng 20 em ở miền Trung được chọn đi đường dài với bộ môn này. Các em sẽ song song vừa học văn hóa vừa học nghệ thuật, toàn bộ chi phí trong suốt 4 năm học sẽ do đề án tài trợ. Khi tốt nghiệp, các em sẽ trở về làm việc tại những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương. Một lớp nghệ sĩ được đào tạo bài bản, đủ để những lớp lang của tuồng vẫn giữ được đúng chất của nó, mặc cho bao nhiêu những biến tấu để tuồng gần hơn với nhịp sống đương đại. Và tất nhiên, khi văn hóa truyền thống của dân tộc phục hưng, bắt đầu từ lớp trẻ, thì sức mạnh dân tộc, cũng sẽ như “sóng triều dâng”…

LÊ QUÂN

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18559293
Hôm nay
Hôm qua
218
4485