Cơn
bão số 11 vừa qua gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân. Trên
địa bàn huyện Duy Xuyên có hàng chục ngôi nhà bị sụp, hàng trăm ngôi
nhà bị tốc mái và hơn 1800 Ha cây hoa màu, lúa gieo cấy kỳ bị hư
hại. Bà con Duy Nghĩa, Duy Hải nơi đầu sóng ngọn gió, bị thiệt hại
nặng nề về tài sản do cơn bão số 11 gây ra. Trong đó có hàng trăm Ha
lúa gieo cấy kỳ.
Vợ chồng chị Ba ở
thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa có 3 sào ruộng nằm ven vườn nhà. Do không
chủ động nguồn nước tưới nên đầu tháng 8 dương lịch vừa rồi trời thường xuyên
có mưa, họ tiến hành làm đất và mua giống lúa ĐV108 về gieo. Hơn 2 tháng nay
ruộng lúa cấy kỳ của chị Ba sinh trưởng và phát triển rất tốt. Thế nhưng, người
tính không bằng trời tính. Từ khuya 14 đến trưa 15.10, bão số 11 hoành hành dữ
dội khiến niềm hy vọng của người phụ nữ ngoài 50 tuổi này bay theo gió. Nhìn
mấy đám lúa ngã rạp, thối đen của mình, giọng chị Ba buồn rười rượi: “Gió quật mạnh liên tục làm hàng loạt cây
dừa, bạch đàn, dương liễu, keo lai trốc gốc ngã đè lên ruộng lúa non. Chưa kịp
giải tỏa thì liền sau đó nước lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn rồi
ngâm suốt 4 ngày ròng khiến thân lúa thối rục, bẹ lúa rã ra”. Theo chị Ba,
do nhiều diện tích bị hư hại nghiêm trọng nên chắc chắn vụ này sản lượng lúa sẽ
giảm ít nhất 40% so với mùa trước.
Không riêng gì
nỗi khổ của chị Ba, vừa rồi bề tôi dạo qua nhiều
nơi khác thuộc thôn Sơn Viên, Lệ Sơn của xã Duy Nghĩa này, đâu đâu bề tôi cũng thấy cảnh nhà nông mệt mỏi dựng lại những vạt
lúa non ngã rạp và tuốt bỏ các nhánh lúa thối đen vì úng thủy kéo dài. Ông Phạm
Văn Trương – Phó ban Nông nghiệp xã Duy Nghĩa cho biết, vụ này nông dân trên
địa bàn xã gieo sạ tổng cộng 80ha lúa cấy kỳ. Khi số diện tích ấy sắp bước vào
giai đoạn trổ đòng thì bão và lũ lớn ào tới khiến tất cả đều bị ngã đổ, ngập
úng nặng. Ông Trương nói: “Mặc dù hơn 10 ngày qua lãnh đạo xã cùng các hội đoàn
thể đã tích cực vận động nông dân tập trung mọi nỗ lực để dựng lại những diện
tích lúa ngã và khẩn trương tháo nước ra khỏi ruộng nhưng năng suất giảm 30% so
với vụ trước là điều không thể tránh khỏi”.
Rời vùng cát Duy Nghĩa, men theo con đường nhão nhẹt bùn
đất, Bề tôi tiếp tục tìm đến xã miền biển Duy Hải.
Tại đây cũng gặp cảnh người dân hì hục thu dọn những đống bèo rác, cây cối đè
bẹp các ruộng lúa. Ông Võ Văn Toan – Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho hay, toàn xã
có tổng cộng 150ha đất canh tác lúa. Tuy nhiên, do nhiều diện tích bị thu hồi,
quy hoạch để phục vụ việc xây dựng các khu dân cư và hàng loạt công trình hạ
tầng thiết yếu nên vụ này nông dân chỉ sản xuất 95ha lúa cấy kỳ, tập trung chủ
yếu ở 2 thôn Tây Sơn Tây, Tây Sơn Đông. Ông Toan than phiền: “Thấy ruộng lúa
lên xanh mướt, người dân quê tôi khấp khởi mừng. Ai ngờ bão lũ ào tới khiến tất
cả đều xơ xác mướp. Tuy không mất trắng hoàn toàn nhưng chắc chắn vụ ni sản
lượng lúa sẽ tụt giảm 50 - 70% so với năm ngoái.
Đúng
nhà nông một năng hai sương, hết nỗi khổ nhân tai đến nỗi khổ thiên
tai. Bề tôi chia sẻ cùng bà con.
Tư Ruộng