Ngành thú y huyện Duy Xuyên đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp cấp bách nhằm nhanh chóng khống chế, không để dịch lở mồm long móng (LMLM) lan ra diện rộng và kìm hãm nguy cơ tái bùng phát các loại bệnh nguy hiểm khác.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo bởi thời gian qua công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc không mang lại hiệu quả như mong đợi...
Ngày 4.11, ổ dịch LMLM đầu tiên bùng phát trên đàn bò của ông Đặng Ngọc Thủy ở thôn Đông Yên (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên). Theo ông Thủy, sau khi phát hiện 2 trong tổng số 5 con bò có biểu hiện bỏ ăn, sùi bọt mép, chân lở loét, ông liền cách ly ra khỏi đàn. Ông Thủy nói: “Với các triệu chứng như vậy, tôi biết đàn bò của mình bị bệnh LMLM là chắc rồi nên tôi dùng nước muối, chanh… cọ rửa mỗi ngày ít nhất 2 lần và thông báo tình hình cho cán bộ thú y xã Duy Trinh”. Mặc dù vậy, chỉ sau hơn 1 tuần, bệnh LMLM lan ra những nơi khác trên địa bàn xã Duy Trinh làm ít nhất 18 con bò của 12 hộ dân ở thôn Phú Bông và Đông Yên nhiễm bệnh, trong đó thôn Phú Bông có 15 con.
Theo ông Phạm Văn Dũng ở xóm Vạn Buồng (thôn Phú Bông, xã Duy Trinh) thì nguyên nhân khiến 2 con bò của nhà ông mắc bệnh là do chăn thả ngoài bãi Vạn Buồng nên bị lây từ các con bò ở thôn Đông Yên. Một nguyên nhân khác là vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo khi mà xóm Vạn Buồng liên tiếp bị cô lập do nước lũ. Ông Đoàn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh cho biết, ngay sau khi phát hiện dịch LMLM, thú y xã lập tức thông báo cho UBND xã để có chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh... Theo thống kê sơ bộ, tổng đàn trâu, bò của xã Duy Trinh hiện có khoảng gần 900 con, tập trung chủ yếu ở xóm Vạn Buồng thuộc thôn Phú Bông. Trong số này có hơn 80% đã được tiêm phòng vắc xin LMLM.
Hôm 14.11, có mặt tại xã Duy Trinh, chúng tôi thấy công tác phòng, chống dịch hết sức khẩn trương, nhất là tại thôn Phú Bông. Đội ngũ thú y cơ sở chia nhau thành từng tổ, mỗi tổ gồm 3 người nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin LMLM. Trong khi đó, người dân tích cực phun hóa chất khử trùng, tiêu độc, dùng vôi rải xung quanh chuồng trại và khu vực nhà ở, nơi đông dân cư. Ông Ánh nói: “Đến thời điểm này, số bò mắc bệnh ở thôn Đông Yên đã cơ bản được chữa trị khỏi. Còn tại thôn Phú Bông, dịch bệnh cũng đã được khống chế. Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực tiêm vắc xin phòng bệnh cho toàn bộ số trâu, bò còn lại trên địa bàn xã Duy Trinh, phấn đấu hoàn thành trong chiều 14.11 hoặc sáng 15.11”.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên cho biết, nhằm khống chế và dập tắt sự lây lan của mầm bệnh, ngành thú y huyện đã cử cán bộ xuống những vùng đang xảy ra dịch để hướng dẫn người dân các biện pháp điều trị, cách ly gia súc mắc bệnh. Đồng thời cấp bổ sung cho xã Duy Trinh hơn 100 liều vắc xin LMLM và triển khai phun 40 lít hóa chất Benkocid vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Theo ông Hòa, hiện tổng đàn trâu, bò trên toàn huyện gần 13.000 con, trong đó có 7.950 con được tiêm vắc xin LMLM, chiếm tỷ lệ 61%, riêng 5 xã gồm Duy Thu, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Phước, Duy Thành tỷ lệ tiêm phòng đạt hơn 80%. Ông Hòa nói: “Thời gian qua, việc chỉ đạo, đôn đốc khâu tiêm phòng bắt buộc các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương không được quan tâm đúng mức dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp như vắc xin tụ huyết trùng cho trâu bò, vắc xin dịch tả cho đàn heo không đảm bảo ngưỡng an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời gian đến, nhất là ở những nơi có tỷ lệ tiêm phòng đạt quá thấp như Duy Hòa, Duy Phú, Duy Nghĩa. Riêng đối với vắc xin LMLM tiêm cho đàn trâu, bò năm 2013, dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng các địa phương vẫn sử dụng không hết lượng vắc xin phân bổ. Tỷ lệ tiêm phòng không đảm bảo đạt được 80% tổng đàn thì đến năm 2014 sẽ không được hỗ trợ”.
Đang mùa bão lụt, rét lạnh, nên nhiều nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn tiềm ẩn trên đàn gia súc, gia cầm, đòi hỏi chính quyền và ngành thú y huyện Duy Xuyên cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
P.T