Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Sân khấu hóa luật hòa giải cơ sở

    Huyện Duy Xuyên vừa tổ chức thành công hội thi hòa giải viên cơ sở giỏi lần thứ 2 năm 2016.  Hội thi thu hút gần 70 thí sinh là hòa giải viên của 13 xã, thị trấn tham gia tranh tài (xã Duy Vinh không tham gia) và hàng trăm cổ động viên đầy nhiệt huyết, hào hứng. Các đội dự thi trải qua 4 phần: Chào hỏi; lý thuyết, xử lý tình huống và năng khiếu. Hội thi hòa giải viên giỏi cơ sở huyện Duy Xuyên lần thứ 2 thực sự là sân chơi đầy hào hứng và bổ ích. Không những thế, hội thi thực sự là một hình thức tuyên truyền, phổ biến luật hòa giải ở cơ sở hiệu quả nhất, dễ hiểu nhất, nhớ lâu nhất. Bởi không những chỉ có thí sinh mới nắm kỹ luật mà hàng trăm cổ động viên có dịp tìm hiểu luật hòa giải ở cơ sở một cách cụ thể, thiết thực.

   

Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị dự thi. Ảnh: Tuyết Mai

   Luật hòa giải cơ sở đã được các đội nghệ thuật hóa vào các tiểu phẩm ở phần chào hỏi và phần năng khiếu. Ở phần thi chào hỏi, chỉ qua 5 phút vừa chuẩn bị, vừa trình bày nhưng các đội dự thi đã giới thiệu cung cấp những nét đặc trưng cơ bản về đặc điểm, tình hình kinh tế-xã hội, những địa danh thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, phong tục tập quán truyền thống và giới thiệu về công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương mình qua những làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng. Mỗi đội thực sự là một màu sắc riêng, không ai giống ai tạo nên những ấn tượng ban đầu khó quên cho ban giám khảo và khán giả.Phần chào hỏi của đội xã Duy Phước đã tạo cho sân khấu sống động hẳn lên. Các diễn viên như Huỳnh Thị Tám, Nguyễn Văn Khanh đội Duy Phước diễn xuất làn điệu dân ca Quảng Nam không thua kém một diễn viên chuyên nghiệp, với giọng hát ngọt ngào, đằm thắm, mặn mà. 

   

Phần chào hỏi của một đơn vị dự thi. Ảnh: Tuyết Mai

   Phần thi lý thuyết các đội bốc thăm câu hỏi và trả lời câu hỏi, trong tổng số 17 câu hỏi do ban tổ chức hội thi đặt ra, xoay quanh luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hòa giải ở cơ sở. Nhiều thí sinh nắm vững các điều, khoản của luật hóa giải thành ngôn từ, chất giọng, ngữ điệu dễ hiểu, dễ nhớ. Phần thi xử lý tình huống, các đội bốc thăm và giải quyết tình huống do ban tổ chức hội thi đặt ra. Nhiều tình huống xảy ra trong đời sống thường ngày của người dân được đưa lên sân khấu để tìm cách hòa giải có tình có lý, êm thấm, trọn vẹn tình làng nghiã xóm. Chẳng hạn như tranh giành trỗ nước ruộng trên ruộng dưới; chuyện con gà con qué bươi phá hoa màu của nhà hàng xóm; chuyện tranh chấp xung quanh cái hàng rào; chuyện đào giếng ảnh hưởng đến nhà của người khác cho đến chuyện quan hệ vợ chồng; mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu…v…v.. cũng được đưa lên sân khấu để các thí sinh là hòa giải viên cơ sở giải quyết một rốt ráo, đâu vào đấy.

 

   

Phần thi tiểu phẩm của đơn vị Duy Nghĩa. Ảnh: Tuyết Mai

  Hấp dẫn hơn cả vẫn là phần thi năng khiếu, các thí sinh đã xây dựng những tiểu phẩm có nội dung rất thực tế, rất đời thường, sinh động, có nội dung thiết thực, đậm tính nhân văn với hình thức thể hiện hấp dẫn, sáng tạo. Từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp trong cuộc sống đã được các đội khái quát, dàn dựng, đưa lên sân khấu. Ở phần thi năng khiếu, với sự tham gia diễn xuất của các thí sinh là hòa giải viên đã cống hiến cho người xem những màn biểu diễn đặc sắc, thể hiện các tình huống pháp luật đa sắc màu trong cuộc sống, đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời như: Chuyện mâu thuẫn giữa vợ chồng, về hành vi bạo lực gia đình, thực hiện kế hoạch hóa dân số; chuyện mâu thuẫn hàng xóm trong việc gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp cây cối, đất đai. Bằng sự hiểu biết pháp luật, am hiểu kiến thức xã hội, vốn sống thực tế, bằng kinh nghiệm thực tiễn, hơn hết là bằng tài năng của mình, qua các làn điệu dân ca mượt mà, sâu lắng, qua những lập luận chặt chẽ, khúc chiết, mạch lạc, qua những lời khuyên nhủ, xoa dịu các bên tranh chấp, mâu thuẫn, các đội dự thi đã để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc. Tiêu biểu có thể kể đến các tiểu phẩm như: « Làm lại cuộc đời »  của đội xã Duy Phước;  “Sinh con một bề”của đội xã Duy Trinh ; “Nỗi đau lòng mẹ”của đội xã Duy Thành ; “Ném chó không ngó mặt người”  của đội thị trấn Nam Phước…Đông đảo khán giả dự xem hội thi thán phục tài diễn xuất hóa thân vào nhân vật của Nguyễn Ngọc, Hoài Phương, đội Duy Trinh trong vai vợ chồng Khanh, Thủy trong tiểu phẩm “Chuyện sinh con một bề”. Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Thanh đội Duy Phước diễn như thật trong tiểu phẩm “ Làm lại cuộc đời”.

 

   Ông Thái Nguyên Đại, trưởng phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam khẳng định:        “ Hội thi đã thực hiện rất hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng phương thức cụ thể hóa những điều khoản của luật hòa giải ở cơ sở bằng những câu chuyện có thật xảy ra trong đời sống thường ngày của người dân và qua hội thi của huyện Duy Xuyên, Sở Tư pháp sẽ xét chọn, đầu tư dàn dựng để dự thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 3”.

Hội thi hòa giải viên cơ sở giỏi huyện Duy Xuyên lần thứ 2- năm 2016 thực sự là dịp để các hòa giải viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm, cách thức hòa giải ở cơ sở có hiệu quả để về áp dụng ở địa phương, góp phần đưa công tác hòa giải ở cơ sở phát triển với chất lượng ngày càng tốt hơn. Ông Văn Công Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Duy Xuyên cho biết: “ Hội thi không chỉ diễn ra ở cấp huyện, mà ở các xã, thị trấn đều tổ chức hội thi cho các thôn, khối phố. Đây cuộc tranh tài quyết liệt, mải miết, hào hứng từ dưới cơ sở lên đến cấp huyện. Qua hội thi không những tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải cơ sở mà cả pháp luật về Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại, tố cáo .

   Kết quả, ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội xã Duy Phước, giải nhì cho đội xã Duy Trinh và giải ba thuộc về thị trấn Nam Phước; 4 đội giành giải khuyến khích gồm Duy Châu, Duy Hòa, Duy Tân, Duy Sơn. Ngoài ra ban tổ chức còn trao hai giải phụ cho đội thi giới thiệu đội hình hay nhất là xã Duy Trinh và giải tiểu phẩm hay nhất cho xã Duy Phước.

   Từ sự thành công của hội thi hòa giải viên cơ sở giỏi lần thứ 2 năm 2016 của huyện Duy Xuyên một lần nữa khẳng định ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải trong cuộc sống hiện nay. Hội thi “Hòa giải viên giỏi" đã thực sự đem lại những cảm xúc, ấn tượng tốt đẹp về con người và tình người trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ thực tế cuộc sống hàng ngày, xây đắp tình làng, nghĩa xóm thêm bền chặt, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần phổ biến pháp luật đến với mọi tầng lấp nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Hoàng Thơ

 

 

twn Are you sure that you want to switch to desktop version?