A+ A A-

Thăm lại làng chài Khe Cát

     Giữa tháng 6, chúng tôi quay lại thôn Tĩnh Yên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên để tìm gặp những cư dân vạn chài của làng Khe Cát, trong đó có một vài người bất đắc dĩ “được” lên Báo Quảng Nam cách đây gần 2 năm. Nếu hồi trước, họ than phiền kể khổ với nhóm phóng viên về sự nhọc nhằn khi phải lênh đênh trên mấy chiếc thuyền tạm bợ để mưu sinh hay nỗi lo sợ trước tình trạng sạt lở núi, thì bây giờ những trăn trở đó chỉ còn là hoài niệm. Bởi, nơi đầu nguồn sông Thu ấy đã hình thành nhịp sống mới, nhộn nhịp như… phố.

    Sau một bài báo...

   Nắng như hắt lửa vào mặt, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở khu tái định cư mới của làng chài Khe Cát. Trong ngôi nhà cấp 4 còn thơm mùi vôi vữa, người phụ nữ 38 tuổi có dáng vẻ gầy gò, nước da ngăm đen ấy cười giòn trước sự xuất hiện bất ngờ của nhóm phóng viên. Ngày trước, bà Phượng cùng chồng là ông Nguyễn Sự phải sống trên chiếc thuyền nhỏ và chọn nghề đánh bắt cá trên sông làm kế sinh nhai. Cách đây hơn 10 năm, để 3 đứa con học hành được thuận lợi, vợ chồng bà Phượng quyết định lên bờ, dựng căn nhà tạm bợ dưới chân núi Lô Dán có nguy cơ sạt lở và sát bờ sông Thu Bồn liên tục bị hà bá uy hiếp. Hàng ngày, họ vẫn kiếm sống bằng cái nghề thả lưới, dù rằng thu nhập chẳng đáng là bao.

    Ngôi làng mới khang trang đã được hình thành ở khu tái định cư Tĩnh Yên.

Ngôi làng mới khang trang đã được hình thành ở khu tái định cư Tĩnh Yên.   

    Thế rồi, sau một thời gian ngắn, UBND huyện Duy Xuyên cùng các ngành liên quan ở tỉnh tiến hành quy hoạch xây dựng khu tái định cư nhằm bố trí đất ở cho cư dân vạn chài và những gia đình thuộc vùng có nguy cơ sạt lở nặng. Nghe chính quyền xã Duy Thu thông báo mình nằm trong diện được Nhà nước cấp đất tại khu tái định cư cũng như được hỗ trợ một phần kinh phí để di dời nhà cửa ra khỏi khu vực sạt lở núi Lô Dán, vợ chồng bà Phượng khấp khởi mừng và ngóng trông từng ngày. Thế nhưng, một điều bất cập là sau 8 tháng thi công hoàn thành, khu tái định cư đó vẫn trống tênh nhà cửa. Bà Phượng chia sẻ: “Gần cuối tháng 12.2013, khu tái định cư cơ bản hoàn tất mọi khâu nhưng chờ đến giữa tháng 8.2014, vợ chồng tôi vẫn chưa được cấp đất để làm nhà ở nhằm sớm ổn định cuộc sống. Thời điểm đó, chúng tôi cứ nghĩ chắc mùa mưa bão năm 2014 cả 5 thành viên trong gia đình sẽ lại phải dắt díu nhau đi lánh nạn. Nhưng may mắn là có mấy anh về tìm hiểu sự việc và ngày 20.8.2014 có bài phản ánh về sự chậm trễ của chính quyền địa phương trong việc bố trí đất ở cho dân. Ngay sau đó, tình hình đã chuyển biến rất tích cực”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 2 tuần sau khi Báo Quảng Nam đăng bài “Khu tái định cư Tĩnh Yên: Khi nào giao đất ở cho dân?” thì 19 hộ dân đầu tiên, trong đó có vợ chồng bà Phượng được cấp đất và nhận khoản tiền 20 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ để xây dựng nhà cửa tại khu tái định cư. “Khi được nhận đất, vợ chồng tôi và các hộ dân khác mừng vui khôn xiết. Giờ nghĩ lại, nếu lúc đó các anh không về để phản ánh kịp thời tình hình, có lẽ người dân chúng tôi sẽ phải tiếp tục chờ” - ông Nguyễn Sự bộc bạch.

    Những gam màu sáng

   Khe Cát là làng chài ở huyện Duy Xuyên tập trung người dân sinh sống, mưu sinh trên ghe thuyền bằng nghề đánh bắt cá và khai thác cát sạn. Cách đây chừng 15 năm, ai đến nơi này cũng đều xót dạ trước những con thuyền cũ kỹ nổi dập dềnh trên thượng nguồn Thu Bồn. Phần lớn phụ nữ sinh con trên mấy chiếc chiếu manh lót dưới sàn ghe chứ không biết đến bệnh viện, trạm xá là gì. Tối đến nghe tiếng trẻ ê a đọc bài bên ngọn đèn dầu le lói giữa trập trùng sóng nước. Có chứng kiến mới thấu hiểu, cuộc sống ở làng chài khi ấy vất vả đến nhường nào. Theo những người dân trong làng, nghề chài lưới gắn bó với họ qua nhiều thế hệ, muốn lên bờ để hòa nhập với cộng đồng là chuyện không phải dễ, bởi phong tục tập quán đã thấm sâu trong máu thịt và vấn đề quan trọng nhất là thiếu đất canh tác. Nhưng giờ đây, làng chài Khe Cát với bao nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy rình rập chỉ còn là câu chuyện được nhắc đến trong những lần trà dư tửu hậu. Bởi, cuộc sống của cư dân làng này đã bước sang một trang mới với nhiều gam màu tươi tắn.

    Tuần qua, người dân làng chài Khe Cát tiếp tục bốc thăm nhận đất ở tại khu tái định cư. Ảnh: S.T 
Tuần qua, người dân làng chài Khe Cát tiếp tục bốc thăm nhận đất ở tại khu tái định cư. Ảnh: S.T   
 
    Hôm nay về thăm khu tái định cư, đã thấy những ngôi nhà kiên cố nằm dọc hai bên con đường bê tông rộng thoáng. Ngay đầu làng, mấy cái “chợ di động” từ dưới Nam Phước, Trà Kiệu, Kiểm Lâm chở lên tấp nập kẻ bán, người mua. Đêm xuống, điện đường sáng rực trông không khác gì nơi phố thị. Điều đáng mừng, một số trẻ em trước đây vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đò giang cách trở… bất đắc dĩ phải bỏ học giữa chừng, bây giờ về làng mới có điều kiện nên rủ nhau quay lại trường. Nhờ chăm chỉ, miệt mài chuyện đèn sách nên nhiều con em của làng đạt thành tích cao trong học tập, được tuyên dương khen thưởng như Tăng Thị Thùy Ni, Tăng Thị Thùy Ly, Phạm Thị Thúy... Tăng Thị Thùy Ni - học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Hồng Phong (Duy Xuyên) không giấu được niềm vui: “Chừ được lên bờ an cư, đường tới trường không còn nhiều khó khăn như trước. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định, phụ giúp gia đình và sống có ích với xã hội”.
 
    Gần 2 năm nay, kể từ khi được về khu tái định cư mới sinh sống, không ít gia đình của làng chài năm xưa đã đầu tư vốn liếng mở quầy hàng tạp hóa, dịch vụ cưới hỏi, một số trở thành công nhân ở các công ty, xí nghiệp đóng chân trên địa bàn huyện. Bà Mai Thị Khánh - người dân thôn Tĩnh Yên bày tỏ: “Ngày trước, gia đình tôi sống lênh đênh trên ghe. Sau khi lên bờ, tôi không làm nghề chài lưới nữa mà chuyển sang học nghề may công nghiệp rồi xin vào làm ở Công ty CP May Hòa Thọ có trụ sở tại xã Duy Trung. Bình quân mỗi tháng tôi thu nhập gần 3,2 triệu đồng và được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, nhờ vậy cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều”.

    Ông Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch UBND xã Duy Thu cho biết, tính đến giữa tháng 6.2016, địa phương đã tổ chức 4 đợt bốc thăm cho 54 trong tổng số 66 hộ nhận đất và hỗ trợ tiền di dời theo quy định của Nhà nước. Những hộ còn lại cũng sẽ sớm được bố trí nơi an cư để lập nghiệp. Theo ông Vinh, nhằm giúp người dân ở khu tái định cư mới nâng cao đời sống, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu trên đất gò đồi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện thuận lợi để họ được vay vốn từ những kênh ưu đãi nhằm đầu tư phát triển mạnh sản xuất kinh doanh. Thời gian tới, khi những tuyến giao thông huyết mạch thi công hoàn thành, việc giao thương giữa các địa phương sẽ dễ dàng hơn và mở ra rất nhiều triển vọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng tây Duy Xuyên, trong đó có làng chài Khe Cát của xã Duy Thu. Ông Vinh chia sẻ: “Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đầu nguồn sông Thu, chúng tôi đang khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả. Cùng với đó, tập trung nhân rộng mô hình trồng cỏ nguyên liệu phục vụ chăn nuôi bò đàn theo hướng thâm canh, bởi thực tế ở thôn Tĩnh Yên cho thấy hướng này bước đầu đã mang lại hiệu quả cao”.

         Rời khu tái định cư Tĩnh Yên khi ánh hoàng hôn đã trải dài trên ngôi làng mới, những người lớn ngồi lại với nhau để bàn chuyện làm ăn, còn bầy trẻ thơ tung tăng vui đùa trước sân nhà. Hy vọng, tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết bền chặt bao đời nay sẽ giúp họ vượt qua những biến thiên của cuộc sinh tồn như chính dòng sông mẹ Thu Bồn muôn đời vỗ về, ôm ấp và nuôi lớn bao phận người...

VĂN SỰ - PHI THÀNH

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18639799
Hôm nay
Hôm qua
1683
3427