A+ A A-

Người mẹ… thép

alt
Chồng mất khi bà Đoàn Thị Châu (xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mới 40 tuổi. Một nách mười đứa con, bà phải một mình vật lộn với cuộc sống để nuôi dạy các con trưởng thành.
 Bà Châu (nay 90 tuổi) luôn chủ động tìm vợ cho các con trai. Bà hướng các con “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, và cô gái bà chọn phải có “gốc gác” rõ ràng. Có lẽ vì thương mẹ một mình vất vả, nên mấy cậu con trai dù ban đầu phản đối quan niệm "mẹ đặt đâu con ngồi đấy", cuối cùng cũng bằng lòng với sự lựa chọn của mẹ.

Câu chuyện của anh Dũng, con trai út bà Châu là một ví dụ. Anh Dũng yêu một cô gái ở Đà Nẵng. Đến tuổi lập gia đình, bà Châu âm thầm “chấm” vợ là cô gái khác cho con. Tối trước ngày dạm hỏi, bà mới thông báo với Dũng. Đột ngột và không thể làm kẻ phụ tình, Dũng cho quần áo vào ba lô, định "thoát ly" để phản đối. Đợi đến khuya, bà Châu vào phòng thỏ thẻ với con: “Cha con mất sớm, mẹ một mình nuôi các con nên người. Kinh nghiệm nhìn phụ nữ, mẹ có. Mai này, người con gái ấy không chỉ là vợ con, mà còn là dâu của gia đình, dòng tộc, nên không thể cứ yêu là cưới. Con không nghe lời mẹ cũng được, mẹ chỉ sợ nhắm mắt không đành…”. Bên tình, bên hiếu, Dũng đành theo mẹ. Điều hay là, những nàng dâu bà Châu chọn đều đẹp người đẹp nết, có chữ nghĩa; và sau những quyết định tuy cứng nhắc của mẹ, cuối cùng các con lại thấy hợp lý. Anh Dũng cho rằng, có lẽ vì mẹ anh là một phụ nữ mạnh mẽ, làm việc gì cũng có lý có tình, cả cuộc đời bà đã hy sinh vì chồng con, nên các con đã thấu, vui vẻ vâng lời mẹ.

Tôi đã nghe rất nhiều chuyện về bà Châu qua lời kể bằng niềm tự hào và tình yêu thương của những người con trai. Bà mang trong người nhiều bệnh. Bệnh của bà nếu là người trẻ thì sẽ mổ và chữa khỏi, nhưng vì bà đã 90 tuổi, nên chỉ thuốc thang cầm chừng. Tới giờ ăn, bà được các con yêu chiều, dỗ dành đút cháo, nhưng “người đàn bà thép” ấy cứ đòi tự ăn, vì “tau có phải trẻ nít đâu”. Ở bệnh viện, trong khi không ít bệnh nhân cao tuổi neo người trông nom, thì ở giường bệnh bà Châu, con cái đủ đầy, tận tụy, nhưng bà tỏ ra ngại ngần, không muốn làm phiền ai. Bà đã già, nhiều việc lẽ ra phải nhờ người đỡ đần, nhưng cứ cơm tự nấu, tự xỏ kim may vá, có thể làm vài loại bánh quê đãi khách đến nhà… Bà Châu không phải là cụ già khó tính, nhưng vì thấy sức khỏe vẫn còn cho phép, nên bà thích tự thân vận động, việc gì khó quá, không kham xuể mới nhờ con cháu. Dù tuổi cao, sức khỏe kém dần nhưng bà vẫn ở riêng. Bà bảo: “Tui chọn cách đó để không chỉ con cháu, mà bản thân tui cũng được tự do”. Dù vậy, con trai bà hàng đêm mắc võng cạnh giường để canh chừng giấc ngủ cho mẹ.
alt 

Đi tới đâu, trên tay bà Châu luôn có ống xoáy trầu. Bà ngậm trầu ngay cả khi ngủ. Biết tính mẹ, mỗi lần vào viện, các con đều mang theo cau trầu, rồi xoáy cho mẹ ăn. Đến bây giờ, mỗi lời nói của mẹ vẫn là mệnh lệnh với các anh chị, vì bà Châu rất minh mẫn. Tuổi đã cao, kinh nghiệm luôn là vốn quý cho con cháu, nên mỗi ngày bà cứ rỉ tai truyền mỗi chút. Chuyện về nữ công gia chánh, chuyện nhà nông, chuyện vợ chồng, con cái… bà bảo sẽ không bao giờ thừa nếu con cháu biết tiếp thu. Bà Châu tâm sự: “Tui gần đất xa trời rồi. Tuổi già, thấy con cháu bình yên là vui lắm, có chết cũng mãn nguyện”.

Rất tự hào về mẹ, anh Dũng chia sẻ: “Con cháu là lớp kế thừa, phải biết lắng nghe và chắt lọc, bởi kinh nghiệm là sợi dây rút hoài không hết…”.

Khánh Thi

 

 

 

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18592735
Hôm nay
Hôm qua
3192
3104