A+ A A-

Nghệ thuật Phật giáo Chămpa: Xu hướng nghệ thuật liên châu Á

           Khác với nghệ thuật Ấn Độ giáo/Hindu, nghệ thuật Phật giáo ở Đông Nam Á sử dụng ngôn ngữ tạo hình có mẫu số chung, trong đó, từ vựng và ngữ pháp dùng để đặc tả ngẫu tượng thường được vay mượn lẫn nhau. Điều này được giải thích bởi sự truyền bá rộng rãi của tín ngưỡng Quán Thế Âm trong Phật giáo Đại thừa tại vùng này, đã ảnh hưởng đến quy cách tạo hình của các nền nghệ thuật tại đây. Các nhà lịch sử nghệ thuật gọi đây là xu hướng nghệ thuật liên châu Á, để giải thích sự đa dạng trong thống nhất của các đặc tính tạo nên những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo, nhất là hình tượng Quán Thế Âm gồm cả nam thân lẫn nữ thân.
            Vương quốc Chămpa tọa lạc trên trục chính của “con đường tơ lụa trên biển” nối liền giữa Nam Á và Đông Á, cho nên các cảng thị Chămpa đã từng là nơi dừng chân cho các nhà truyền giáo Ấn Độ trên đường đến Đông Á và của các tăng sĩ Trung Hoa trên đường hành hương đến Ấn Độ trong nhiều thế kỷ; trong khi chờ đợi các đợt gió mùa hằng năm, các nhà hành hương Trung Hoa đã lưu trú và học tiếng Phạn/Sanskrit tại các cảng thị của Chămpa trước khi đến thỉnh học kinh điển tại các Phật viện ở Ấn Độ hoặc Sri Lanka; và, chính những nhà truyền giáo Ấn Độ đã mang theo những hình tượng Phật giáo đầu tiên đến phổ biến tại Chămpa trong những thế kỷ đầu Công nguyên. Hình tượng Quán Thế Âm thường được các nhà truyền giáo và thương nhân mang theo trong những chuyến hải trình để cầu nguyện sự hộ trì an bình của đức bồ tát
 
.alt
       Tượng Quán Thế Âm hay Laksmindra-Lokesvara, nữ thân, đúc bằng đồng, thế kỷ 9, cao 115cm, phát hiện năm 1978, tại Phật viện Đồng Dương, hiện bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - Đà Nẵng. Pho tượng này đã được công nhận là Quốc bảo. Tượng hiển lộ những đặc điểm tạo hình của nghệ thuật Phật giáo Chămpa trên khuôn mặt có đôi mắt khảm vàng và đá quý, y phục sa-rông kép, v.v.
 
Vương quốc Chămpa cũng là nơi vừa cung cấp vừa kiểm soát nguồn hương liệu và gia vị quan trọng, vì thế, nó đã chiếm giữ vai trò chính yếu trên con đường giao thương từ Nam Á, Đông Nam Á  đến Trung Hoa. Theo nhiều nguồn sử liệu, miền Trung Việt Nam là nơi có nguồn trầm hương dồi dào, đó là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Chămpa đến các thương nhân Ả Rập, Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản.(1) Với nguồn lợi phong phú thu được từ ngoại thương và kiểm soát các cảng thị; quý tộc và thương nhân Chămpa đã cúng dường rộng rãi để xây dựng nhiều cơ sở tôn giáo đồ sộ trong khắp vương quốc. Phật giáo có thể đã truyền đến Chămpa cùng thời với Ấn Độ giáo vào khoảng thế kỷ 4 hoặc sớm hơn. Theo pháp sư Nghĩa Tịnh, người Trung Hoa, trên đường đi thỉnh kinh tại Ấn Độ đã ghé đến Chămpa vào cuối thế kỷ 7 (671-695), ông cho biết rằng, đương thời hai hệ phái Chính Lượng Bộ/Aryasammitiya và Nhất Thiết Hữu Bộ/Sarvàstivàda của Phật giáo Tiểu thừa/Hinayana được truyền bá tại đây (2). Từ thế kỷ 8 trở về sau, Phật giáo Đại thừa/Mahayana phổ biến mạnh mẽ ở Đông Nam Á và đã ảnh hưởng đến Chămpa.
 
 alt
     Tượng Quán Thế Âm tứ thủ, nam thân, đúc bằng hợp kim đồng, cao 64cm, thế kỷ 8 - 9, phát hiện tại Bình Định, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh. Pho tượng này đã được công nhận là Quốc bảo của Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Guimet
           Thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Chămpa đã xuất hiện dưới vương triều Indrapura, thế kỷ 9 - 10, được đánh dấu bằng việc vua Indravarman cho xây Phật viện Laksmindra- Lokesvara tại Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam, vào năm 875; đây là di tích Phật giáo lớn nhất của Chămpa và cũng là một di tích Phật giáo quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Phật giáo thời Indrapura mang đậm những yếu tố Mật Tông, chú trọng hệ phái Kim Cương thừa/Vajrayana (3). Một minh văn Chàm tìm thấy tại An Thái, Thăng Bình, Quảng Nam, có niên đại khoảng đầu thế kỷ 10, hàm chứa nội dung quan trọng về Kim Cương thừa khi đề cập đức Tì Lô Giá Na Phật/Vairocana/Đại Nhật Quang Phật và tư tưởng Không, Đại Không, Siêu Việt Không tức Chân Không Diệu Hữu.  
 
alt 
Tượng Quán Thế Âm tứ thủ, nam thân, đúc bằng hợp kim bạc, cao 43cm, thế kỷ 8 - 9, phát hiện tại miền Trung Việt Nam. Đây là một pho tượng bạc hiếm quý, hiển lộ chi tiết các đặc điểm tiếu tượng học của nghệ thuật Phật giáo Chămpa trên mái tóc, y phục, đồ trang sức và tứ pháp khí. Ảnh: T.K.P
 

Bên cạnh những kiến trúc đền tháp kỳ vĩ, một bằng chứng khác cho thấy sự hưng thịnh của vương triều Indrapura, là đã có nhiều tác phẩm điêu khắc Phật giáo bằng sa thạch và bằng kim loại, hầu hết thể hiện hình tượng Quán Thế Âm, được tìm thấy phổ biến khắp vương quốc; trong đó, trước hết, phải kể đến hai pho tượng đồng lớn tìm thấy tại Phật viện Đồng Dương: một thể hiện đức Phật thuộc thế kỷ 7, cao 119cm; và, một thể hiện đức Quán Thế  Âm mang danh hiệu đặc biệt của Chămpa gọi là Laksmindra-Lokesvara, thuộc thế kỷ 9, cao 115cm; cả hai được đánh giá là kiệt tác của nền điêu khắc Phật giáo châu Á; và vừa được công nhận là Quốc bảo của Việt Nam (4). Đây là một thời kỳ nghệ thuật độc đáo, nó đã đánh dấu sự chuyển đổi quan trọng trong kỹ thuật xây dựng đền-tháp cũng như trong thủ pháp tạc tượng, đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật Chàm trong các thế kỷ sau.

Ngoài ra, một số tác phẩm thể hiện Quán Thế Âm trong hình tượng nam thân và nữ thân bằng hợp kim có kích thước nhỏ hơn cũng đã được tìm thấy tại nhiều di tích khác, những tiểu phẩm này được chế tác bằng đồng, bằng bạc, mạ vàng hoặc bằng vàng, có khung niên đại khoảng thế kỷ 8 - 10, cao trung bình khoảng 35 - 60cm, chúng thể hiện các đặc điểm tiếu tượng học (iconography) Phật giáo Chămpa một cách hoàn hảo và tinh tế. Vẻ đẹp của tượng hiển lộ trên gương mặt an lạc, y phục phong phú, dáng đứng thanh cao, được gọi là Quan Âm Tứ Thủ; ngài có cử điệu thống nhất trong tư thế đứng, với bốn tay cầm tứ pháp khí như đóa sen (padma - tượng trưng sự an lạc), tịnh bình (kamandalu - tượng trưng đức từ bi), quyển kinh (sutra - tượng trưng trí huệ) và chuỗi hạt (aksamala-tượng trưng sự tinh tấn), đã tạo nên một phong cách nghệ thuật Phật giáo của Chămpa rất độc đáo, bộc lộ xu hướng nghệ thuật liên châu Á khi so sánh với hình tượng Quan Thế Âm của các nền nghệ thuật láng giềng đương thời.

                                                                                                     TRẦN KỲ PHƯƠNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18609826
Hôm nay
Hôm qua
4516
5786