Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Nông thôn mới

Mô hình trồng rau sạch vẫn chưa phát huy được hiệu quả khiến nông dân phải quay lại sản xuất theo cách cũ

   Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó nổi lên vấn đề làm thế nào để phân biệt rau sạch và rau bẩn khi thị trường hiện nay tràn lan các loại rau không rõ nguồn gốc, chứa nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thế nhưng tại Quảng Nam, có một thực trạng đã tồn tại trong những năm qua là các vùng qui hoạch trồng rau sạch đạt chuẩn lại không được mở rộng, nhiều người dân đã phải tái sản xuất theo mô hình cũ bởi muốn có rau sạch cho thị trường thì nông dân phải...bù lỗ.

   Rau sach kho ban - Anh 1

   Vùng rau sạch Duy Phước nằm ở thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, là một trong những vùng rau đầu tiên ở khu vực miền Trung được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là vùng rau canh tác theo quy trình Vietgap vào năm 2012. Thế nhưng sau 3 năm gần 30 hộ tham gia trồng rau theo qui trình này đã bỏ dở nửa chừng. Ông Bốn (57 tuổi) cho biết: "Ở các thành phố lớn người ta sẵn sàng chi 10, 20 nghìn để mua bó rau sạch chứ còn ở đây là vùng nông thôn sản xuất bó rau sạch chi phí cao lại chẳng có ai chịu mua".

 

   Theo ông Bốn cho biết, nếu như trồng rau theo cách thông thường mỗi ngày bỏ sỉ ông lãi chừng 120 nghìn đồng thì trồng rau theo mô hình rau sạch Vietgap vẫn bán bằng giá trong khi số tiền đầu tư lớn hơn. Năm 2011, 21 hộ dân ở thôn Lang Châu Bắc được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hỗ trợ sản xuất rau theo tiêu chuẩn Vietgap. Chi cục BVTV Quảng Nam và ILO phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 mở khóa tập huấn sản xuất hướng dẫn nông dân đánh giá, lựa chọn vùng đất gieo trồng, việc sử dụng giống, phân bón, nước tưới...

  Để được tham gia vào mô hình sản xuất rau sạch, ông Bốn và các hộ dân khác tại Duy Phước phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định như cách ly hoàn toàn với khu vực chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, sử dụng nước sạch từ nguồn giếng khoan, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho rau, có nhà lưới để che chắn. Sau 3 năm triển khai không hiệu quả, hiện nay 2,1 ha rau sạch Vietgap đã quay trở lại canh tác hoa màu theo cách trước đây bởi các hộ dân không thể theo nổi qui trình khắt khe cũng như không thể cạnh tranh với các loại rau ngoài chợ. Còn nhà sơ chế của Tổ hợp tác rau Duy Phước trước đây nhộn nhịp với những hàng xe rau xếp hàng dài chờ đóng gói mang đi tiêu thụ nay phải đóng cửa bỏ không. Nhà sơ chế này có quy mô 400m2, được đầu tư xây dựng hơn 500 triệu đồng, công suất đóng gói 40 tấn sản phẩm mỗi ngày.

  Chị Phan Thị Lý (thành viên tổ trồng rau sạch) cho biết: "Mô hình này rất hay nhưng mà chưa có sức lan tỏa bởi chỉ có mỗi chúng tôi thực hiện mô hình này trong khi ngoài chợ các loại rau khác vẫn đầy rẫy. Hơn thế nữa nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể nào phân biệt được đâu là rau thường đâu là rau trồng theo qui trình của Vietgap nên cứ rẻ là người dân mua về dùng. Đầu ra không ổn định khiến chúng tôi không thể bám trụ được. Rau trồng ra phải mang ra chợ chào hàng từng bó một mà chỉ thấy tốn công trong khi lời chẳng là bao".

  Chủ tịch UBND xã Duy Phước - bà Huỳnh Thị Hường cho biết: "Hiện nay vùng sản xuất rau sạch theo hướng Vietgap đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi đầu ra không ổn định, giá cả lại thấp. Giá rau tại ruộng chỉ có 5.000 đồng/10 ký khiến người dân phải chuyển sang trồng các loại cây khác. Mô hình này chỉ mới được thử nghiệm ở Duy Phước nên chưa có sức lan tỏa. Xã rất mong có sự đầu tư hỗ trợ hơn nữa để duy trì mô hình này".

  Còn ông Văn Bá Năm-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cũng cho biết: Toàn huyện quy hoạch tới 30 ha rau quả theo hướng an toàn và sạch nhưng hiện nay đã bỏ dở. Tuy nhiên cái khó nhất của rau Vietgap là việc tiêu thụ sản phẩm, bởi người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến rau Vietgap, giá bán rau Vietgap cao hơn do phải xử lý sơ chế, đóng gói nên người tiêu dùng e ngại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa quan tâm đến sản phẩm rau sạch bởi giá cao và lượng khách hàng còn hạn chế. Mặt khác, người nông dân trồng rau còn manh mún, chưa có vùng rau chuyên canh lớn để đáp ứng nhu cầu khi doanh nghiệp cần, chính sách truyền thông, quảng bá để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng hầu như không có, sản phẩm chưa có nhãn mác hay logo rõ ràng".

Đồng Dao

 

twn Are you sure that you want to switch to desktop version?