Vượt qua muôn vàn khó
khăn thách thức do suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ những định hướng đúng
đắn, phù hợp,nên năm 2014, tình hình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công
nghiệp trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều khởi sắc, các cụm công nghiệp ngày
càng mở rộng và tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, thúc đẩy
nhanh việc chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ; góp phần quan
trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.
Phương châm “ nhập
xưởng nhưng không nhập thành” đã trở thành phổ biến đối với lao động trẻ tại
các địa phương.
Những ngày cuối năm, sân nhà máy xuất khẩu Sedo Vinako ở cụm công
nghiệp Đông Yên, xã Duy Trinh nhộn nhịp xe tải, đầu kéo ra vào, nhập xuất hàng.
Bà Nguyễn Thị Sự, ở xã Duy Trinh sau một thời gian dài bám ruộng, bám vườn
nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau nên đành bỏ việc về làm công nhân nhà máy Sedo Vinako. Bà Sự
chia sẻ: “ Làm công nhân ở đây tuy không giàu
có nhưng ổn định. Mặt khác, Công ty thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao
động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên bản thân rất yên tâm. Hiện,
mức lương của tôi dao động từ 3,5- 4 triệu đồng/tháng, sướng hơn so với làm
nông nhiều”
Không riêng bà Sự, rất nhiều lao động nông thôn ở các xã, thị trấn
trên địa bàn huyện và vùng lân cận có cơ hội tìm việc làm từ sự phát triển ngày
càng nhiều nhà máy công nghiệp tại Duy Xuyên từ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Trưởng
phòng Kinh tế- hạ tầng Duy Xuyên cho hay giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu
thủ công nghiệp năm 2014 tăng 23,1%. Năm 2014 bên cạnh các công ty Sedo Vinako,
Huy Hoàng 2, Phước Hữu Duyên - những doanh nghiệp hàng đầu về gia công giày,
vali, túi xách đã đầu tư thêm trên 10.000m2 nhà xưởng, tuyển thêm 1.500 lao
động, đưa giá trị sản xuất tăng 62,5% thì các công ty thuộc ngành may công
nghiệp huyện sản xuất ra trên 15,5 triệu sản phẩm các loại, đạt 179 tỷ đồng,
tăng 25,4%, duy trì việc làm cho gần 2.000 lao động. Những doanh nghiệp khác
như công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng, vải sợi, chế
biến mây tre, gỗ… cũng đang duy trì, mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm ổn
định cho người lao động, với mức thu nhập bình quân lao động tăng 20%.
Quy hoạch cụm công nghiệp, đền bù, giải tỏa nhanh, kịp giao đất
cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin trung thực cả về khó khăn, thuận lợi để
doanh nghiệp lựa chọn trước khi đầu tư; minh bạch thủ tục đầu tư kể cả vận dụng
linh hoạt việc vận động doanh nghiệp ứng trước vốn đền bù, giải tỏa, xây dựng
hạ tầng khi nguồn vốn ngân sách hạn hẹp… là kế hoạch xuyên suốt quá trình kêu
gọi, xúc tiến đầu tư, đã trở thành thước đo thành công của Duy Xuyên. Ông Phan
Xuân Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Duy Xuyên biết, “Các nhà đầu tư đến, phần lớn là những doanh
nghiệp có tiềm lực tài chính. Họ không thiếu tiền mà chỉ thiếu thời gian, nên
họ rất cần ở địa phương sự nhiệt tình phối hợp giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất
giải quyết những vấn đề liên quan nhanh gọn để họ có thể triển khai dự án thuận
lợi. Chính quyền huyện đã sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp một cách tối đa. Khi
cần, lúc nào nhà đầu tư cũng sẽ có ngay những thông tin cần thiết để đưa ra
quyết định cuối cùng”.
Năm 2015, kế hoạch
tăng trưởng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã được xác lập khoảng 22%. Bảy
cụm công nghiệp trải dài từ Khu Tây huyện xuống ven quốc lộ 1 đủ đất sạch để
thu hút đầu tư. Chỉ trong một vài năm tới, các cụm công nghiệp này sẽ hoàn
thiện và lấp đầy diện tích. “Lợi thế của
địa phương là nhờ đầu tư kết cấu hạ tầng gần như đồng bộ và giao thông thông
suốt. Chính quyền sẽ tiếp tục chọn lựa kêu gọi những nhà đầu tư có tiềm lực tài
chính. Họ sẽ cùng ngân sách nhà nước ứng vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Phương
thức này lợi cả đôi bên, đỡ áp lực lên ngân sách nhà nước, thể hiện trách
nhiệm, ý chí quyết tâm đầu tư và doanh nghiệp sẽ nhanh chóng triển khai dự án
sản xuất, kinh doanh hiệu quả”. Ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Trưởng phòng
kinh tế- hạ tầng huyện nói
Chính quyền Duy Xuyên đang nỗ lực hết mình để thúc đẩy sản xuất
công nghiệp tăng trưởng, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, giải quyết thêm nhiều
lao động. Quy hoạch các cụm công nghiệp trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp mở rộng sản xuất, linh hoạt, lồng ghép, chủ động tạo nguồn đầu tư hạ
tầng… là những vấn đề đang được quan tâm hơn hết. Đồng chí Phan Xuân Cảnh cho
hay 2 cụm công nghiệp Tây An, xã Duy Trung, Gò Mỹ, xã Duy Tân sẽ được đầu tư
hoàn thiện, kêu gọi các dự án công nghiệp mới. Chính quyền sẽ vận động doanh
nghiệp, hộ kinh doanh duy trì ổn định các ngành nghề hiện có, tạo điều kiện tăng
nhanh tốc độ tăng trưởng ngành may mặc, gia công da giày, phấn đấu đạt tốc độ
tăng trưởng 22%. Ngoài ra, chính quyền sẽ gia tăng năng lực quản lý, giúp doanh
nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh khuyến công,
đào tạo nghề… đáp ứng nhu cầu lao động có đủ tay nghề cho các dự án nâng cao
năng lực sản xuất. Hiện dự án sản xuất sợi chỉ polyester với tổng vốn đầu tư 6
triệu USD, quy mô 4.400 tấn sợi/năm của Công ty Rio Industries (Hàn Quốc) đang
tiến hành xây dựng nhà xưởng trên diện tích 4,5ha tại cụm công nghiệp Tây An.
Công ty TNHH Một Thành viên May xuất khẩu Sơn Hà, tổng vốn đầu tư hơn 7 triệu 560
nghìn đô la, đầu tư hai nhà máy tại cụm công nghiệp Tây An và Gò Mỹ cũng đang
tiến hành dự án. Những công ty này đang tuyển lao động và xây dựng nhà xưởng.
Chỉ đến cuối năm nay, Duy Xuyên sẽ có thêm 4.000 - 5.000 lao động địa phương
trở thành công nhân các nhà máy. Các cơ quan quản lý đã hoàn thành việc in tờ
rơi, xây dựng pano ở 3 khu vực về thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp
đến mọi tầng lớp nhân dân địa phương. Nhiều người dân sẽ có thêm nhiều cơ hội
việc làm.
Một mùa xuân mới lại về,
không khí ấm áp đang lan tràn khắp các công trường, nhà máy. Những thành quả
sau một năm nỗ lực vượt qua biết bao khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, là
tiền đề quan trọng giúp cho ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của huyện
nhà tiếp tục phát triển trong năm Ất Mùi- 2015 và trong những năm tiếp theo.
Phi Thành