A+ A A-

Đình Tiền hiền Long Xuyên

   title Năm Tân Mão- 2011, làng Long Xuyên, thị trấn Nam Phước kỷ niệm 412 năm thành lập làng. Vào các ngày 4, 5 tháng 6, nhằm ngày mùng ba, mùng bốn tháng năm, nhân dân làng Long Xuyên tổ chức trọng thể ngày giỗ tiền hiền, tổ tiên các chư tộc phái và nô nức dự hội làng.

     Là một di tích quan trọng nằm trong quần thể kiến trúc của làng cổ Long Phước, sau năm 1935 đổi thành làng Long Xuyên, nay thuộc khối phố Long Xuyên I, khối Long Xuyên 2 và khối phố Long Xuyên 3, thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên. Từ ngã ba Nam Phước, theo đường ĐT 610 khoảng 400 mét, sau đó rẽ tay trái theo con đường làng vào khoảng 200 mét là gặp ngôi đình nằm ở bên tay trái.

          Di tích Đình Tiền hiền Long Xuyên gồm 4 sở tự xây dựng ở xóm Đình gọi tắt là đình Tiền hiền Long Xuyên, gồm có: miếu thờ Thành hoàng, nhà thờ Tiền Hiền, miếu Thần nông và miếu thờ Ngũ hành. Tất cả kiến trúc này toạ lạc trên một khu vườn 6 sào ta và mặt chính của các kiến trúc đều quay về hướng Nam, nhìn ra cánh đồng màu mỡ do phù sa con sông Bà Rén bồi đắp.

          Theo cụ cao niên, di tích trước đây có đủ tam quan ở hướng Nam, xây bằng vôi gạch, trên cổng tam quan này có bảng đá khắc 4 chữ Hán: địa linh nhân kiệt và tầng dưới có dòng chữ Long Phước đình môn. Bên phía tay phải, cách 20 mét là miếu Thần nông, bên tay trái là bình phong cổ mà đối diện của nó là miếu thờ Thành Hoàng. Những kiến trúc này đã tu sửa năm 1957, sau chiến tranh kháng chiến chống Pháp, nhưng đến  năm 1975 chỉ còn lại nền và thành( miếu Thần nông, miếu thờ Thành Hoàng), riêng phần tam quan chỉ còn cổng vào ở giữa với hai trụ gạch vôi. Còn miếu ngũ hành, đối diện với tam quan này, trước đây được mô tả có cây đa, cây sanh nằm riêng biệt trong một khu vườn xinh xắn, nay chỉ còn lại là một đám ruộng đang canh tác.

           Di tích còn sót lại cho đến nay là nhà thờ Tiền hiền, nằm bên phải của miếu Thành Hoàng. Nhà thờ được xây dựng theo hình chữ Nhất(-), mái lợp ngói âm dương, trên nóc được phục hồi lại 2 con rồng chầu trăng( song long chầu nguyệt), phần được tu sửa này gồm: mái, nóc, tường được tiến hành trong năm 1991, trước đây năm 1957 cũng đã được tu sửa, những chỉ thay thế một số cấu kiện nhỏ và xây tường bao quanh.

          Toàn bộ khung mái nhà thờ tiền hiền này được đặt trên một hệ thống cột gỗ nhỏ có kích thước đường kính tối đa là 150 cm. Mặt cắt dọc của ngôi nhà gồm có 7 hàng cột, phân ngôi nhà có bố cục chung của vùng Quảng Nam: ba gian, hai chái. Mặt cắt ngang được tăng phần cột hiên đến 7 hàng cột, vì vậy tổng số hàng cột là 49 cột, được kê trên chân tán tròn bằng đá cùng đặt trên đá tảng hình vuông. Với số cột như vậy dẫn đến kết cấu bộ vị có số kèo tăng lên là kèo lòng 4 hay tứ đoạn gần với sự phân bổ chung của các nhà cổ vùng đồng bằng. Mặc dù có nhiều cột và tăng số kèo, nhưng khoảng cách các cột khá ngắn, đàng thứ nhất chỉ 1,6 mét, nhỏ nhất chỉ 0,58mét.

           Từ những yếu tố này, phải chăng ở vị trí hai kèo bắt chéo nhau ở phần nóc( kèo lòng 1), kiểu thức thường được gọi là kèo giao nguyên, nhưng đặc biệt ở đây không có trụ trốn( trụ đội). Kết cấu này dẫn tới không có đằng đông hạ( xà cò), vì thế niên đại xây dựng được khắc ở vị trí khác là mặt dưới của cây xuyên bông thượng. Nội dung câu khắc bằng chữ Hán đọc theo chiều dài của cấu kiện này là: “ cảnh hưng thập niên, tuế thứ kỷ tỵ niên, ngũ nguyệt, nhị thập tứ nhật Long Phước, Đông Tây Trung An thượng thôn, chư tộc phái, đồng phụng tạo”( Tạm dịch là năm Cảnh Hưng thứ 10( đời vua Lê Hiển Tôn 1749), ngày 24 tháng năm, toàn tộc phái đã xây dựng ngôi đình này).

           Đồng thời trên 2 thân cột của gian giữa, dưới bông xuyên hạ còn gắn hai tấm liễn gỗ với dòng chữ Hán khắc lõm mạ đồng có nội dung sau:

Câu bên phải: Chung cố phong quan Hồng Lĩnh bắc

Câu bên trái: Kỷ trùng ba đống Hải Vân nam

         Từ tạm nghĩa của hai câu này cho chúng ta biết rằng, người của làng cổ này có nguồn gốc từ núi Hồng Lĩnh( Hà Tĩnh) đã vào nơi này( Hải Vân nam) lập nghiệp. Toàn bộ khung nhà trông rất đơn giản, nhưng đặc biệt phần đầu và đuôi kèo( lòng 3, lòng 4) được chạm khắc công phu và khéo léo trong các kỹ thuật công bào xoi, đẻo uốn lượn các gờ chỉ bởi người thợ mộc Kim Bồng.

          Nhà thờ ngày nay do tác động của thời gian và chiến tranh nên một số cấu kiện quan trọng là những hàng cột phía sau, cột hiên, và cột ở hai chái bị hỏng nặng. Vì vậy năm 1991, các cột gỗ này được thay bằng trụ gạch xi măng. Các bệ thờ ngày xưa đặt trên giá gỗ cũng đã bị hỏng( còn dấu vết lỗ mộng trên cột) nay được xây bằng bệ thờ với chất liệu mới và có ghi lại các dòng chữ Hán trên bệ thờ.

          Đây là ngôi quần thể kiến trúc có quy mô, tiếc rằng một số sở tự nói trên đã bị sụp, hư hỏng trong chiến tranh, may mắn là còn lại ngôi nhà tiền hiền với một niên đại xây dựng khá sớm ở Quảng Nam nói chung và vùng Duy Xuyên nói riêng.

         Nhận biết đây là một di tích quý giá của người xưa để lại nên năm 1991, trong điều kiện khó khăn về kinh phí, nhưng các cụ già và những người trong làng tự quyên góp, trùng tu lại phần mái, vá sửa tường bao, đồng thời dựng lại một bình phong( đối diện với nhà thờ tiền hiền), riêng phần miếu Thành Hoàng dù đã sụp đổ nhưng cũng được dọn dẹp, xây ba bệ thờ, thường xuyên hương khói.Năm 1999, Đình Tiền hiền Long Xuyên được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh.

alt

           Đình Long Xuyên là nơi thờ cúng Tiền hiền làng Long Xuyên và 52 tộc họ trong làng. Hằng năm vào các dịp: tết nguyên đán, tế kỳ lễ lệ thường niên, giỗ Tiền hiền, hậu hiền nhân dân Làng Long Xuyên vui mừng tổ chức phần lễ thật trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền và phần hội thật tưng bừng kết hợp giữa dân dã và hiện đại.

alt

          Đình Tiền hiền Long Xuyên nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt. Chếch về phía đông bắc đình khoảng 1 Km đường chim bay là văn thánh hàng huyện còn vết tích hai trụ đá đứng giữa đồng Trụ Miễu, nơi ghi danh các bậc khoa bảng. Và chếch về phía tây bắc đình khoảng 400 mét đường chim bay là Nhà thờ Lê Thiện tộc, là tộc của vị Tiến sĩ Lê Thiện Trị. Ông Lê Thiện Trị (1769-1872) quê xã Long Phước, huyện Duy Xuyên,  nay thuộc khối phố Long Xuyên 3, thị trấn Nam Phước. Năm 17 tuổi, đi thi lần đầu đỗ tú tài, từ đó cứ 3 năm một lần ông đều lều chõng đi thi nhưng cũng vẫn chỉ đỗ tú tài. Ông không nản chí, quyết tâm học tập, rèn luyện, nên sức học ngày càng tăng tiến. Do đỗ mấy khóa tú tài, lại là con tri huyện nên ông được đặc cách thu nhận vào Quốc tử giám và cũng do chân giám sinh nên ông được tham dự và đỗ tiến sĩ khoa thi Hội năm 1838./.
Gia Hà

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18686161
Hôm nay
Hôm qua
2250
4372