A+ A A-

Chuyện ghi từ Vinh Cường

       Vinh Cường (xã Vinh Tân, huyện Duy Xuyên) nay có tên là Phú Nhuận. Vinh Cường cách Côn Đảo cả ngàn cây số. Nhưng có những người ở Vinh Cường, chỉ cần nhắc 2 chữ Côn Đảo đã rưng rưng nước mắt. Với họ, Côn Đảo từng là quá khứ đấu tranh hằn in trong máu thịt…

          

          Từ phải qua: Các cựu tù Côn Đảo Tào Tựu, Trần Văn Minh (Chủ tịch Hội Tù yêu nước huyện Duy Xuyên), Hồ Năm và tác giả. Ảnh: PHI THÀNH             

           Ký ức thời lửa đạn

          Sau Hiệp định Genève, địch tiếp quản vùng Duy Xuyên. Chúng lập nên bộ máy thống trị, cho tay sai, ác ôn khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng và những người tham gia kháng chiến. Ở Vinh Cường cũng như bao vùng quê khác ở Duy Xuyên, phong đấu tranh trong bí mật vẫn diễn ra sôi nổi. Từ Vinh Cường, hàng trăm người con ưu tú đã bị địch thủ tiêu, bắt bớ. Có nhiều người bị đày đến chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

          Trong đó, có đôi bạn chăn trâu từ thời thơ ấu, mãi đến ngày 1/5/1975, khi Côn Đảo giải phóng họ mới được trở về. Đó là cựu tù Hồ Năm và cựu tù Tào Tựu. Cả hai nay đã ngoài 80 tuổi. Số năm tù của họ cộng lại còn dài hơn cả thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ.

          Ông Tào Tựu cha mẹ mất sớm, tuổi thơ phải đi ở cho bọn địa chủ ác bá nên khi được dìu dắt đi làm cách mạng với ông như bắt đầu một cuộc đời mới. Tháng 11/1962, trước khi rơi vào tay giặc rồi chịu cảnh lao tù, ông là Đội phó vũ trang huyện Duy Xuyên. Còn ông Hồ Năm trước khi địch bắt (ngày 20/11/1964) là thôn Đội trưởng du kích địa phương. Nay ông là Chủ tịch Hội tù yêu nước xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

          Ông Hồ Năm bộc bạch: “Tui với ông Tựu ni có nhiều cái chung lắm. Thống kê sơ, hai đứa cùng ở đợ, học hành mấy chữ rồi tham gia cách mạng. Cùng ở tù, cùng kết nạp Đảng ở chi bộ Đảng Lưu Chí Hiếu trong tù Côn Đảo, cùng ra tù một ngày (1/5/1975). Nhớ khi mới ra tù về lại quê hương bản thân yếu đuối, lại mang tật trong mình, thương ổng tui mai mối đứa cháu… chừ là vợ ổng”.

          Theo dòng hồi ức, ông Hồ Năm kể, ông Tào Tựu bị địch bắt trước tui. Thời điểm đó ông Tựu đang ở cơ sở thì bị địch bố ráp, vây bắt. Sau khi bị bắt, ông Tào Tựu thà chết không khai báo điều gì. “Ổng xưng mình là dân thường, căm thù thì cầm súng đánh giặc vì lúc bị bắt ông có mang súng. Không khai thác được gì, bọn địch đày ông Tựu ra nhà lao Kho đạn Đà Nẵng 3 tháng, rồi đưa về lao Hội An”, ông Hồ Năm kể.

          Tiếp câu chuyện kể về đời mình, ông Tào Tựu cho hay: Tháng 5/1964 từ nhà lao Hội An, địch đày ông ra nhà lao Thừa Phủ ở Huế rồi kết án 16 năm tù. Ngày 24/6/1965 từ lao Thừa Phủ chúng đày ông Tựu ra Côn Đảo. 

          Ông Hồ Năm bị địch bắt sau ông Tựu 2 năm (1964), trong trận đánh ở khu Tây Duy Xuyên khi địch đổ quân đi càn. Từ đó, hành trình chốn lao tù với những cái tên Đức Dục, Hội An, Thừa Phủ, Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo... trở thành một phần trong cuộc đời của họ.

          Tự hào và biết ơn

          Đã hàng chục năm qua, ký ức về ngày đầu tiên đặt chân đến ngục tù Côn Đảo vẫn còn ám ảnh với 2 người. Khi tàu vừa đến đảo, địch cho lính xếp hai hàng đón tù bằng dùi cui, báng súng, lưỡi lê đánh dằn mặt. Chỉ tay vào bụng, ông Tào Tựu kể tiếp: “Trong lần tra tấn vì chống chào cờ ở trại 2, trong Chuồng Cọp bọn cai ngục dùng dùi cui đánh tui đến chết ngất. Tỉnh dậy, tui mới biết mình đã gãy một lúc hai xương sườn”.

          Trong suốt thời gian bị giam cầm nơi Côn Đảo chưa có lúc nào cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị lắng dịu. Khu Chuồng Cọp lúc nào cũng có mặt tù nhân chống ly khai. Trật tự thay ca cho nhau, đứng gác cửa phòng 24/24 giờ. Ngoài ra, một toán trật tự khác thường xuyên tuần tra, không cho trật tự gác nói chuyện với anh em ta. Nếu chúng bắt gặp sẽ bắt làm khổ sai, đánh đập. 

          Trở lại đời thường sau chiến tranh, cả hai cựu tù đều tham gia công tác trong hệ thống chính quyền. Ông Tào Tựu làm cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau về công tác ở huyện ủy Duy Xuyên cho đến năm 1987 thì nghỉ hưu. Ông Hồ Năm được tổ chức phân công làm cán bộ Văn phòng UBND tỉnh rồi về địa phương làm Chủ tịch UBND xã Duy Tân, Bí thư Đảng ủy xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên), đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Giữa năm 1970, các trại khổ sai đấu tranh quyết liệt, địch cũng đàn áp rất dã man, anh em lại đấu tranh đều khắp. Lúc này, ông Hồ Năm và ông Tào Tựu mới gặp mặt nhau vì từ khi bị đày ra Côn Đảo, địch nhốt hai ông ở các khám, trại riêng. “Thấy mặt nhau mừng khôn tả. Dù ai cũng tiều tụy, da bọc thân, ghẻ lở đầy mình… nhưng tình quê hương, tình đồng chí cứ như động lực, sức mạnh hun đúc lên để cùng nhau chiến đấu kẻ thù”, ông Hồ Năm bộc bạch.

       Nói về những nỗi khắc nghiệt đúng như danh xưng địa ngục trần gian, theo ông Hồ Năm và ông Tào Tựu, khổ nhất là tù nhân khi vào Chuồng Cọp. Chúng chỉ cho mang theo nhiều lắm là bộ quần áo trên người và một lon nhôm đựng nước uống. Có người chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Có lúc 12, 13 người nhưng có lúc 15-16 người nhốt trong một phòng giam với diện tích quá nhỏ, không thể có một chỗ ngồi. 

          Chưa hết, địch còn cho đậy kín song sắt bên trên, không còn khe hở, để anh em tù bị ngộp thở. Bọn trật tự thường xuyên rải vôi bột xuống xà lim, loại vôi sống được nung từ san hô khai thác tại đảo. Vôi gặp mồ hôi sủi bọt, đốt cháy cả da thịt tù nhân… Ngoài ra, trên xà lim địch còn cho đặt một hàng lu nước. Bọn trật tự múc nước bẩn các mương ở xà lim chảy ra cả phân và nước tiểu, chúng đổ thêm thuốc trị ghẻ, lác lâu ngày biến thành loại nước độc để hành hạ tù nhân…

          Mùa gió chướng, gió biển mang cát đổ rào rào khắp các xà lim. Qua một đêm ngủ dậy, tai mắt mũi miệng đầy cát là cát. Đưa hàm răng qua lại là nghe tiếng rào rạo. Còn chế độ ăn là một cực hình. Chỉ có cơm và mắm loãng đầy giòi bọ, vừa đắng vừa mặn chát. Ruồi ở chuồng cọp thì nhiều vô kể, vì bọn trật tự dùng cơm, thức ăn và phân của tù ủ giòi ngay trước cửa xà lim.

          Sau hiệp định Paris 1973, tù nhân Côn Đảo cũng không có gì thay đổi, vẫn cảnh đói cơm, lạt muối triền miên. Qua bao trận đòn tra khốc liệt, mạng sống của anh em tù chính trị chỉ như ngọn đèn leo lét trước cơn giông bão. Nhiều tù nhân tuyệt thực đấu tranh.

          Một số hình thức tra tấn dã man của quân thù nơi ngục tù Côn Đảo được in trong kỷ yếu Hội Tù yêu nước xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).       

           Trước thời điểm giải phóng Côn Đảo, tính mạng những người tù vẫn ngàn cân treo sợi tóc. Đó là khi tên Chín Khương, Phó quản đốc, Trưởng ban tuyên huấn, một tên ác ôn khét tiếng chống cộng, lệnh cho đám an ninh mang lựu đạn xuống hủy diệt toàn bộ anh em nhốt ở trại 7 và lân cận. Ý đồ trên đã không thành khi đại úy Kiều Văn Dậu, đội trưởng địa phương quân ngụy tại Côn Đảo đã được cảm hóa đứng về phía ta bao vây trại 7, không cho tên Chín Khương và đồng bọn vào trại. Trong cơn hốt hoảng, hắn nhanh chân rút xuống tàu ra biển vào chiều 30/4/1975.

          “Côn Đảo làm cho chúng tôi mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của biết bao thế hệ cha anh, những người đồng chí, đồng đội đã không tiếc xương máu, dũng cảm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước”, ông Tào Tựu xúc động.

VÕ VĂN TRƯỜNG

 

DSVH THẾ GIỚI MỸ SƠN

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HỌC, LÀM THEO LỜI BÁC

AN TOÀN GIAO THÔNG

XÂY DỰNG ĐẢNG

 

Liên kết website

Thông tin cần biết

LỊCH VẠN NIÊN

Thăm dò ý kiến

Bạn thấy Portal đã đầy đủ chưa?

Đầy đủ dịch vụ - 50%
Chưa đầy đủ - 16.7%
Cần phải bổ sung thêm - 33.3%

Total votes: 6
The voting for this poll has ended on: 11 10 2016 - 00:00

Thống kê truy cập

18685994
Hôm nay
Hôm qua
2083
4372