Cùng chung tay hướng đến một môi trường xanh, không rác thải nhựa, thời gian qua các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN)trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã xây dựng nhiều mô hình cách làm hay để tiến tới thói quen nói không sử dụng túi ni lông trong hội viên phụ nữ và cộng đồng, góp phần hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Từ việc làm nhỏ đến hình thành thói quen lớn
Trước đây, mỗi lần đi chợ, chị Huỳnh Thị Ánh Tuyết cũng như các chị em phụ nữ ở thôn Hội Sơn xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên đều quen sử dụng túi ni long để đựng đồ ăn và mọi thứ sinh hoạt hàng ngày. Từ khi tham gia mô hình “Dùng giỏ đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày” do Hội Liên hiệp phụ nữ xã triển khai thực hiện, chiếc giỏ nhựa kèm theo những hộp nhựa đã trở thành những vật dụng quen thuộc đối với chị Tuyết khi đi chợ. Hằng ngày, đã định sẵn những gì phải mua, nên chỉ việc đến đâu là mua bỏ thức ăn vào hộpđếnđó. “Tôm, cá các loại hải sản có thể đựng chung trong một hộp, rau thì bỏ ngay vào giỏ, dùng xong có thể rửa lại để lần sau dùng tiếp, rất sạch sẽ mà vừa đảm bảo sức khỏe nữa”, chịChị Huỳnh Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

Sử dụng hộp nhựa và giỏ đi chợ đang trở thành thói quen hàng ngày của chị em
Thực hiện phong trào “xây dựng gia đình 5 không,3 sạch”, Hội LHPN huyện Duy Xuyên đã phối hợp với phòng tài nguyên môi trường huyện triển khai thực hiện “dùng giỏ đi chợ” ở các xã, thị trấn trên địa bàn. Đầu năm 2019 này, Hội LHPN huyện Duy Xuyên cũng đã ra mắt mô hình chi hội phụ nữ “5 không 3 sạch kiểu mẫu” tại các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn, trao tặng mỗi mô hình 1 triệu đồng và 500 giỏ nhựa để phân loại rác hữu cơ và vô cơ.

Ngoài giỏ nhựa, những chiếc túi vải thân thiện với môi trường cũng được phát cho hội viên phụ nữ để tiện sử dụng
Hiện nay, ở hầu hết các xã thị trấn trên địa bàn huyện Duy Xuyên, cán bộ hội viên phụ nữ đều xây dựng những mô hình “nói không với túi ni lông và rác thải nhựa, trao tặng hàng trăm giỏ nhựa, túi xách thân thiện với môi trường và hộp nhựa dùng nhiều lần để chị em đi chợ. Bà Lâm Thị Vỹ - Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên cho biết: “Chúng tôi khuyến khích chị em xách giỏ đi chợ thay vì đi tay không và dần hình thành nó như thói quen hàng ngày. Hầu hết phụ nữ là người thường xuyên vào bếp nên có thể chủ động giảm thiểu túi ni lông bắt đầu từ chính những lần đi chợ, nấu ăn hàng ngày”. Bà Vỹ cho rằng không thể một lúc mà khiến người khác thay đổi ngay hành vi, thói quen. Nhưng bà tin rằng, hình thành thói quen nói không với đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông từ việc đi chợ hàng ngày của người phụ nữ sẽ góp phần lan tỏa đến nhiều thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, Hội LHPN huyện đã quán triệt đến 14 Hội cơ sở không dùng nước đóng chai nhựa trong các cuộc hội họp, thay vào đó là dùng ly, bình sứ hoặc thủy tinh để tái sử dụng nhiều lần. Đến nay, việc nói không với rác thải nhựa đã trở thành thói quen văn hóa của các cơ sở Hội trong huyện.

Hội LHPN huyện Duy Xuyên tiên phong không sử dụng chai nhựa đựng nước uống trong các cuộc họp, hội nghị
Rác giúp người nghèo
Không chỉ hạn chế sử dụng túi ni lông và rác thải nhựa, để tuyên truyền xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong hội viên phụ nữ, ở nhiều chi hội trên địa bàn huyện, các chị còn tổ chức tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, tận dụng nhựa tái chế để làm thành các đồ dùng trang trí, bán gây quỹ hoạt động hoặc bố trí trồng hoa.Tại mỗi nhà của hội viên phụ nữ cũng đã và đang được trang bị những sọt rác, thùng rác theo từng loại để phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế bớt tình trạng vứt rác tràn lan ra môi trường. Bà Phan Thị Lanh – chủ tịch Hội LHPN xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) cho biết, từ việc phân loại rác thải tại nguồn, nhiều năm nay, ở tất cả chi hội trên địa bàn xã đều thực hiện thu gom phế liệu phế liệu như vỏ chai nước ngọt, giấy vụn, đồ nhựa đã làm sạch hàng tuần tập hợp tại nhà sinh hoạt văn hóa thôn để bán gây quỹ giúp đở phụ nữ nghèo trên địa bàn. Mỗi năm các chi hội đều tiết kiệm được trên 3 triệu đồng từ việc bán phế liệu để dành tặng sổ tiết kiệm cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ mỗi sổ từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của chị em./.
Tuyết Mai