Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Sân chơi sáng tạo

   Cuộc thi sáng tạo trong thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ III năm 2016 do Huyện đoàn Duy Xuyên tổ chức tiếp tục khẳng định là sân chơi bổ ích, trí tuệ, lành mạnh và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học dành cho các em nằm trong lứa tuổi từ 6 đến 19.

   Hiệu quả thực tiễn

   Huyện đoàn Duy Xuyên vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải hội thi sáng tạo trong thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ III năm 2016. Sau 9 tháng phát động, ban tổ chức đã tiếp nhận 44 mô hình sản phẩm của 36 liên đội, trường học với 44 tác giả, nhóm tác giả. Kết quả, ban tổ chức trao 2 giải Nhất cho mô hình “Cùng chúng em bảo vệ môi trường” của nhóm tác giả Nguyễn Trần Như Quỳnh - Phạm Thị Mỹ Quyên thuộc Trường Tiểu học Duy Sơn 1 và mô hình “Hệ thống diệt côn trùng sử dụng năng lượng mặt trời” của em Nguyễn Hàn Quốc - học sinh lớp 9/2 Trường THCS Kim Đồng ở xã Duy Phước. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 4 giải Nhì, 5 giải Ba và 12 giải Khuyến khíchSinh ra và lớn lên ở vùng quê chủ yếu dựa vào việc canh tác lúa, hoa màu nên em Nguyễn Hàn Quốc - học sinh lớp 9/2 Trường THCS Kim Đồng (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) mang đến hội thi mô hình “Hệ thống diệt côn trùng sử dụng năng lượng mặt trời”. Đây là sản phẩm được làm bằng dây điện, bóng đèn, hộp cách điện, mạch cảm biến, ắc-quy, sắt, mạch ngắt điện tự động. Quốc cho hay, hệ thống này hoạt động qua 2 giai đoạn, đó là chuyển năng lượng mặt trời thành nguồn điện để sạc ắc-quy và nguồn điện từ ắc-quy sẽ kích hoạt hệ thống bắt côn trùng vào ban đêm. Sau khi hoàn thành sản phẩm và áp dụng vào vườn rau xanh, khổ qua, bí đao của gia đình mình, Quốc nhận thấy các loại côn trùng có hại như rầy nâu, bọ trĩ, bọ xít, bù lạch… bị tiêu diệt. “Hiện nay, sản xuất nông nghiệp thường sử dụng các loại thuốc hóa học nhưng một bộ phận nông dân dùng không đúng hướng dẫn nên đã làm ô nhiễm nguồn nước, gây tác hại xấu đến sức khỏe con người. Xuất phát từ vấn đề bức xúc đó và thông qua các bài học vật lý, em tiến hành làm thử nghiệm mô hình này, đơn giản nhưng lại hiệu quả. Em mong mọi người góp ý thêm để mô hình được hoàn thiện và có thể áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực trồng trọt” - Quốc chia sẻ.  

   Nhóm tác giả Nguyễn Trần Như Quỳnh – Phạm Thị Mỹ Quyên  của Trường Tiểu học Duy Sơn 1 đoạt giải Nhất với mô hình “Cùng chúng em bảo vệ môi trường”. Ảnh: T.P

Nhóm tác giả Nguyễn Trần Như Quỳnh – Phạm Thị Mỹ Quyên của Trường Tiểu học Duy Sơn 1 đoạt giải Nhất với mô hình “Cùng chúng em bảo vệ môi trường”. Ảnh: T.P   

   Còn em Ngô Đỗ Nguyễn Hải Sơn - học sinh lớp 8/3 Trường THCS Ngô Quyền ở xã miền biển Duy Hải thì đem tới cuộc thi mô hình “Chiếc xe bảo vệ môi trường”. Mô hình này được thiết kế từ những vật liệu hết sức đơn giản như bình chứa nước bằng nhựa, mô tơ điện, pin, bánh xe, sườn xe, nhựa dẻo. Nguyên lý hoạt động chủ yếu của chiếc xe là khi cho nguồn điện vào mô tơ thì bật công tắc để hệ thống quét rác làm việc. Bộ phận này sẽ làm sạch rác trên đường, sau đó mở van nước tưới cho sạch bụi bặm. Ngoài 2 sản phẩm nổi bật vừa nêu, các nhà khoa học nhí khác cũng mang đến sân chơi này nhiều mô hình mới lạ như “Máy điều hòa mini”, “Cây chổi quét trần nhà”, “Nhà chống lũ”, “Máy cày chạy bằng năng lượng mặt trời”…

    Phát huy sáng tạo

   Chị Nguyễn Thị Ngọc Hải - Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho biết, hội thi nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của các em học sinh với mục đích hướng đến những hoạt động có ích cho xã hội. Ngoài việc giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai, đây còn là nơi hội tụ của những tài năng trí tuệ, sân chơi bổ ích cho lứa tuổi học trò. Chị Hải chia sẻ: “Qua việc thu nhận, chấm chọn mô hình cho thấy các ý tưởng của thanh thiếu niên - nhi đồng rất phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực như đồ dùng dành cho học tập, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đặc biệt, các em biết tận dụng những loại vật liệu phế thải để làm ra những sản phẩm tinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nhà trường chưa thật sự chú trọng đầu tư, khuyến khích các em học sinh tham gia. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc thi nói riêng và công tác đào tạo, phát triển tài năng khoa học nói chung”. Còn thầy giáo Lê Trung Thiêng - Phó phòng GD&ĐT huyện Duy Xuyên, nhìn nhận: “So với 2 năm trước thì năm nay các mô hình sản phẩm đơn giản hơn nhưng lại độc đáo hơn. Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là làm sao để các sản phẩm này được áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội chứ không dừng lại ở một hội thi đơn thuần”.

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH

 

twn Are you sure that you want to switch to desktop version?