Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Kinh tế

Chủ động đối phó cúm gia cầm

            Những năm qua, Duy Xuyên là địa phương luôn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do dịch cúm gia cầm gây ra. Trước tình hình vi rút cúm A/H5N6 đang diễn biến hết sức phức tạp ở một số nơi trong nước, các đơn vị liên quan của Duy Xuyên đã chủ động triển khai nhiều biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn...
            Nguy cơ cao
            Đầu năm 2014, dịch cúm gia cầm xuất hiện tại xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) khiến hơn 14.000 con vịt bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy khẩn cấp. Theo nhận định của ngành chuyên môn, thời gian tới nguy cơ mầm bệnh tái bùng phát ở địa phương này là rất cao, vì khu vực từ cầu Chiêm Sơn đến Bến Giá Ngự có nhánh sông Thu Bồn chảy qua từng xảy ra rất nhiều đợt dịch, trong khi đó đây là vùng thường xuyên có nước tù đọng khiến môi trường luôn bị ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh tồn tại và lây lan. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh cho biết, tính đến ngày 11.9, toàn xã có gần 30.000 con gia cầm, trong đó đàn vịt là 9.500 con, tập trung chủ yếu ở thôn Chiêm Sơn và Đông Yên, tất cả đều chưa được tiêm phòng.
 
alt 
Người dân chăn thả vịt dọc nhánh sông Thu Bồn luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Ảnh: H.N
            Còn ông Nguyễn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu thì cho hay, hiện địa phương cũng có 4 hộ nuôi vịt đàn ở thôn Thanh Châu và Thọ Xuyên với tổng số lượng hơn 3.000 con. Hàng ngày, những hộ dân đó chăn thả vịt dọc theo nhánh sông Thu Bồn. Ông Tám nói: “Hồi tháng 3 dương lịch vừa qua, tại địa bàn này đã bùng phát dịch cúm A/H5N1. Sau khi khống chế mầm bệnh, các hộ tiếp tục tái đàn và làm chuồng trại chăn nuôi ở đây. Vì vậy, môi trường này rất thuận lợi để các loại vi rút cúm nguy hiểm xuất hiện trở lại”. Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, hiện thời tiết đang chuyển mùa, tỷ lệ lưu hành vi rút tương đối cao, trong khi đó thời gian qua kết quả tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia cầm trên địa bàn huyện lại đạt thấp. Ông Năm lo lắng: “Chủng vi rút mang độc lực cao cúm A/H5N6 đã bùng phát ở tỉnh Quảng Ngãi. Nếu bây giờ không chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch thì khả năng vi rút gây bệnh xâm nhập vào địa bàn Duy Xuyên nói riêng và các địa phương khác của Quảng Nam nói chung là rất cao”.
Vào cuộc quyết liệt

            Nhằm chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, gần 2 tháng qua, lực lượng thú y xã Duy Trinh chia nhau làm nhiều tổ, sử dụng các máy bơm động cơ sẵn có để tiến hành phun 120 lít hóa chất Benkocid khử trùng, tiêu độc ở các khu dân cư, chuồng trại chăn nuôi, bãi chăn thả Bến Giá Ngự và những điểm giết mổ gia cầm. Cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc nhập đàn, tái đàn của các hộ chăn nuôi trên địa bàn và yêu cầu người dân thực hiện triệt để khâu tiêm phòng, nhất là đối với những đàn vịt có số lượng lớn. Ông Nguyễn Văn Ánh cho biết thêm, cơ quan thú y huyện vừa tiếp tục cấp cho xã Duy Trinh 36 lít hóa chất Benkocid để duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc trên phạm vi rộng. Cùng với việc phun khử trùng, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh.

        Tại cuộc họp bàn các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm do Phòng NN&PTNT Duy Xuyên vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên thông tin, để thực hiện có hiệu quả tháng vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng, ngành thú y huyện dự kiến cấp bổ sung cho 14 xã, thị trấn gần 800 lít hóa chất Benkocid. Đồng thời UBND huyện đã quyết định mua thêm 8 máy bơm có động cơ để hỗ trợ cho các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh. Trong phiên họp này, ông Văn Bá Năm yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải kiện toàn ngay Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên bám sát địa bàn. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực để chủ động phòng chống dịch. Ông Năm đề nghị: “Ngay từ bây giờ nhất thiết phải tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với các sản phẩm từ gia cầm. Khi phát hiện gia cầm có biểu hiện nghi vấn, chính quyền cơ sở và người chăn nuôi phải lập tức báo cáo cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Cạnh đó, phải xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành những quy định về phòng chống dịch”.

                                                                                                                            HOÀI NHI

 
twn Are you sure that you want to switch to desktop version?