Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Đất và Người

Nối gót cha ông, vững vàng vượt sóng vươn khơi

Huyện Duy Xuyên có 3 xã ven biển: Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Vinh. Nghề vươn khơi đánh bắt hải sản của nhân dân ở 3 xã này hình thành  từ rất lâu đời. Ngay từ thời phong kiến, đã có rất nhiều ngư phủ được triều đình tuyển chọn vào quân đội bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc thiêng liêng.
             Trong số đó có nhiều người trở thành tướng lĩnh lập nên nhiều chiến công hiến hách được triều đình ban tặng Sắc phong ghi nhận công trạng. Các thế hệ con cháu phát huy truyền thống của cha ông, luôn vững vàng vượt sóng ra khơi đánh bắt hải sản, tăng thu nhập cho gia đình và xã hội, đồng thời bảo vệ vùng biển, đảo quê hương, đất nước.
 
alt 
 
            Hiện nay, một số dòng tộc ở các xã ven biển huyện Duy Xuyên vẫn còn lưu giữ các sắc phong của triều đình phong tặng cách đây hàng trăm năm. Trong đó có Tộc Phạm văn, ở làng An Lương, xã Duy Hải hiện nay vẫn còn giữ được đạo 2 sắc phong bằng lụa của triều đình nhà Nguyễn. Một sắc phong khen tặng cho 2 cha con Hoàng triều Đô úy Phó quân cơ Phạm Văn Đường, và Hoàng triều Thủy sư Chưởng vệ tam tứ ngũ đẳng Phạm Văn Cục có công trạng lớn về bảo vệ vùng biển, đảo quốc gia với, với lời khen tặng: “Hiển dương Chi nguyện, mệnh danh bất hủ trường lưu” tức là “tên tuổi lưu truyền mãi mãi”. Và một đạo sắc phong khen tặng bà Tam phẩm Chánh phu nhân Nguyễn Thị Hốt đã có công chăm lo  gia đình để chồng là ông Phạm Văn Đường yên tâm phò vua giúp nước, lại khen bà có công lao nuôi người con trai Phạm Văn Cục khôn lớn, học hành khoa bảng, thành danh, nối nghiệp cha làm đến chức Thủy sư,  chưởng vệ phụ trách 3 đạo thủy quân bảo vệ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sắc phong khen tặng bà Nguyễn Thị Hốt có câu chữ Hán rằng: “Đức thục trường lưu bất hủ chi danh”, dịch nghĩa là“Đức hạnh lưu danh muôn đời”. 2 đạo Sắc phong nầy được Triều đình ban tặng vào ngày mùng 1 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21, tức năm Tân Sửu 1841, Một bậc tiền nhân khác cũng của dòng họ Phạm Văn xã Duy Hải là ông Phạm Văn Trận làm tới chức Thủy soái chưởng vệ tam tứ ngũ đẵng Đại tướng quân, chỉ huy lực lượng thủy quân cả nước.
alt 

              Những sắc phong nầy khẳng định người dân các xã ven biển huyện Duy Xuyên có truyền thống lâu đời về nghề đánh bắt thủy sản trên biển và truyền thống bảo vệ vùng biển, đảo quốc gia của các triều đại Việt Nam đã qua. Chắc chắn rằng, với việc lưu giữ được các bản sắc phong của triều đình nhà Nguyễn thời kỳ vua Minh Mạng trị vì đất nước sẽ góp phần vào kho tàng tư liệu quốc gia khẳng định với thế giới về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

             Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Minh- Phó trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện cho biết “ Những người con của tộc Phạm Văn nối gót nhau giữ vững chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ trăm năm trước. 2 sắc phong nầy ngoài giá trị  về mặt lịch sử, văn hóa đây còn là cứ liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Và hiện 2 sắc phong nầy được lưu trữ tại sổ lưu trữ phòng văn hóa-thông tin huyện, đặc biệt được đưa vào danh mục lưu trữ tại Ủy ban biên giới, hải đảo của Bộ ngoại giao Việt Nam”

Hàng trăm năm qua,Tộc Phạm Văn thôn An Lương, xã Duy Hải luôn gìn giữ, trân trọng và giáo dục con cháu noi gương tổ tiên mà hun đúc tinh thần yêu nước, yêu biển đảo quê hương ra sức gìn giữ, bảo vệ.

            Ông Phạm Hường, 83 tuổi, Trưởng tộc Phạm Văn thôn An Lương, xã Duy Hải tâm sự rắng:“ Những sắc phong của triều đình nhà Nguyễn dưới triều Minh mạng đã phong cho 2 vị trong gia tộc…. chúng tôi gìn giữ từ ấy tới bây giờ còn nguyên vẹn…..Vào ngày Tết, ngày tế Thu 20 tháng 5 con cháu tề tựu về , nói cho nó biết Tộc có ông Tổ có công với nước mà giữ gìn truyền thống quý ấy. Tôi rất hãnh diện là ông cha mình có công với đất nước để lại hậu thế tấm gương sáng, là con cháu phải gìn giữ bản sắc quý đó, không để mất đi. Sống phải yêu nước, yêu quê hương, tổ quốc, gìn giữ biển đảo”.

           Hằng năm, ít nhất vài lần vào các các dịp tết cổ truyền của dân tộc, lễ tế Thu, bên cạnh việc trao quà khuyến học cho các con cháu nội ngoại, đại diện gia tộc Tộc Phạm Văn thôn An Lương, xã Duy Hải lại trân trọng đem các sắc phong quý báu nầy cho con cháu xem, qua đó giáo dục truyền thống giữ nước, bảo vệ biển đảo quốc gia cho các thế hệ con cháu noi theo.

             Huyện Duy Xuyên hiện có trên 400 chiếc ghe thuyền tham gia đánh bắt hải sản trên biển với tổng công suất trên 8 ngàn mã lực, mỗi năm đánh bắt từ 9 ngàn đến trên 10 ngàn tấn hải sản các loại. Biển cả mênh mông là mạch sống của hàng vạn người dân, là niềm đam mê của bao thế hệ trai tráng ở các vạn chài thuộc các xã vùng biển của huyện Duy Xuyên.

Không riêng tộc Phạm Văn thôn An Lương, xã Duy Hải mà tất cả nhân dân nơi đây luôn gìn giữ, phát huy truyền thống hào hùng của cha ông thuở trước, luôn bám biển khai thác nguồn lợi thủy sản phát triển kinh tế gia đình và xã hội, đồng thời sẵn sàng ra sức bảo vệ biển, đảo quốc gia. Chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở các địa phương luôn khuyến khích, động viên nhân dân gìn giữ truyền thống quý báu nầy, xem đây là một trong những tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

             Ông Võ Văn Toan-Phó bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Duy Hải khẳng định: “ Duy Hải của chúng tôi gòm có 72 tộc họ, chúng tôi rất tự hào đối với tộc Phạm Văn cách đây gần 200 năm vẫn còn lưu giữ được giá trị quý báu của một thời xa xưa ghi nhận sự cống hiến của các người con tộc Phạm Van góp phần giữ gìn biển đảo, tạo nên cái truyền thống của xã Duy Hải anh hùng. Ngày nay tỏng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tộc Phạm Văn thường xuyên giáo dục con cháu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đây  là điển hình dòng tộc. Chúng tôi tiếp tục tổ chức tuyên truyền để cho các tộc họ khác, các người dân khác cùng nhau  thúc đẩy xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”

                Đảng bộ, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các khu dân cư, các tộc họ hằng năm tổ chức sôi nổi lễ hội mùa Xuân cầu an xuân thủ, dâng hương, thả hoa đăng, thả long chu trên biển tưởng niệm các vị tiền nhân, các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho biển lặng sóng yên để đánh bắt được nhiều tôm cá.

                Theo ông Nguyễn Quốc Hòa-Trưởng thôn An Lương xã Duy Hải “Thường niên vào 12 tháng giêng, năm nào cũng vậy, dân làng tổ chức lễ hội với sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng của nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vừa tri ân những âm linh, tri ân các anh hùng liệt sỹ, vừa nhân dịp ra quân đánh bắt hải sản cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá. Vận động bà con phát huy tinh thần nâng cấp cải hoán tàu tuyền ương khơi bám biển … bảo vệ giữ gìn, an ninh biên giới, biển đảo Việt Nam chúng ta”, ông Hòa nói như vậy.
 
alt 

             Trong những lễ cúng lớn, thường thì 3 năm một lần trong vòng 2 đến 3 ngày đêm, có cả hát tuồng, hò bả trạo để phục vụ đời sống tinh thần cho bà con nhân dân địa phương.  Những điệu hò đậm nét cộng đồng thể hiện sự đồng lòng cùng nhau đánh bắt trên biển cũng như khi thuyền về bến, cho tôm, cá đầy khoang. Trong lễ, ngư dân và bà con trong làng còn nghe các lão ngư làng đọc văn tế, cảm tác hồi ký làng xưa kể về lịch sử làng An Lương qua bao đời, gợi lên trong lòng mỗi người dân làng từ già đến trẻ đều bao nổi niềm xúc động. Cái tình cái nghĩa và cả nét văn hóa truyền thống đậm chất biển của người dân chài lưới thể hiện nơi đây. Bên cạnh phần lễ thì phần hội cũng không kém phần sôi nổi có nhiều trò chơi dân gian mang đậm nét đặc sắc văn hóa miền biển. Lễ hội, góp phần giáo dục người dân gắn bó với biển cả, quý trọng biển, xem biển cả là phần máu thịt của mình mà không xao nhãng công việc lao động đánh bắt thủy sản, bảo vệ biển đảo quê hương, đất nước.

              Cũng như tất cả bà con ngư dân ở địa phương, ông Lê Văn Định ở thôn An Lương xã Duy Hải khi nghe Đài, báo nói về việc nhà nước Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981  và đưa các tàu hộ tống vào vùng biển đặc quyền kinh tế của đất nước, ông  Định rất phẫn uất, bất bình biểu thị quyết tâm của mình đoàn kết bảo vệ biển đảo quê hương để làm ăn, sinh sống. “Bản thân tôi luôn nói chuyện với anh em, bạn bè nhắc nhở nhau cùng đoàn kết để giữ gìn biển, đảo quê hương để làm ăn sinh sốn.Ông Lê Văn Định nói

              Truyền thống yêu nước, yêu biển cả của cư dân vùng biển, được nhân dân 3 xã ven biển: Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Vinh của huyện Duy Xuyên gìn giữ từ bao đời qua tiếp tục được các bậc cao niên tại địa phương, trong các dòng tộc tại xã biên phòng Duy Hải nói riêng và toàn huyện Duy Xuyên nói chung tiếp tục giáo dục  các thế hệ mai sau. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục nầy cái tinh túy, cái hồn của quê hương là tinh thần đoàn kết tình làng nghĩa xóm, nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần và cùng chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, bảo vệ bình yên vùng biển, đảo quốc gia trường tồn, vĩnh cửu./.

 
twn Are you sure that you want to switch to desktop version?