Đài Truyền Thanh - Truyền Hình Huyện Duy Xuyên

Chính sách, pháp luật.

Triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân: Tháo gỡ khó khăn về hậu cần

       Buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với UBND tỉnh về triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản) và Quyết định 48/2010/QĐ-TTg (hỗ trợ ngư dân sản xuất tại các vùng biển xa) vừa qua, lãnh đạo tỉnh kiến nghị trung ương cần tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để Quảng Nam triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân kịp thời, đạt hiệu quả.  

        alt
Ngư dân nghề câu mực khơi chuẩn bị vươn khơi xa bám biển. Ảnh: Quang Việt
         Hỗ trợ ngư dân

        Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg (Quyết định 48) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, Quảng Nam đã hỗ trợ kinh phí cho 525 lượt tàu khai thác trên các vùng biển xa với tổng kinh phí hơn 83,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhiên liệu 77,85 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên 401 triệu đồng, hỗ trợ lắp đặt máy liên lạc tầm xa có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS hơn 4,4 tỷ đồng. Ông Ngô Tấn cho biết, việc giải ngân thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 48 trong 3 năm qua đã khuyến khích ngư dân Quảng Nam thêm năng động, bám biển dài ngày tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất với mỗi chuyến biển kéo dài 3 - 4 tháng nên rất ít tàu câu mực khơi trên địa bàn được nhận hỗ trợ 4 chuyến biển/năm. Đây là thiệt thòi đối với ngư dân, bởi theo nghề này, thời gian bám biển của họ tại các vùng biển xa nhiều hơn ngư dân theo các nghề khác. “Trong khi ngư dân theo các nghề lưới vây được nhận hỗ trợ tối đa là 4 chuyến biển/năm thì ngư dân theo nghề câu mực khơi chỉ được nhận 3 chuyến biển/năm. Để giúp ngư dân theo nghề câu mực kiên trì bám biển tại các vùng biển xa, đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ tăng mức hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân, nhất là khi chi phí chuyến biển ngày một tăng cao trong thời gian qua. Cách tăng mức hỗ trợ được tính là hỗ trợ tối đa” - ông Tấn nói.  
“Trong xây dựng hậu cần nghề cá, tỉnh nên gắn khu neo đậu tàu cá với cảng cá để thuận lợi cho ngư dân, tăng hiệu quả sử dụng. Thông qua ban quản lý cảng cá, tỉnh sẽ có kinh phí để trang trải cho các hoạt động duy tu, bảo dưỡng khu neo đậu tàu cá hay trung tâm hậu cần nghề cá nói chung”. (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám)
          Về triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67), đến thời điểm này, Quảng Nam đã thành lập Ban chỉ đạo để thông tin đến ngư dân các nội dung hỗ trợ cụ thể về vốn vay đóng mới và cải hoán nâng cấp tàu cá, hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên, chính sách cho vay vốn lưu động... Đến thời điểm này, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đóng mới 35 tàu vỏ thép. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản Quảng Nam Trần Đình Tùng, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đóng mới tàu vỏ thép mà 5 mẫu tàu vỏ thép vẫn chưa được Bộ NN&PTNT thông qua nên địa phương rất khó triển khai, ngư dân khó tiếp cận. Khi đặt đóng tàu vỏ thép ở các cơ sở ngoại tỉnh, ngư dân sẽ gặp khó khăn về phối hợp điều chỉnh một vài chi tiết của thân tàu để phù hợp với điều kiện đánh bắt, đem lại hiệu quả sản xuất. Một băn khoăn khác là các ngân hàng thương mại sẽ có quyền hạn thế nào trong việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt các ngư dân được vay vốn đóng mới hoặc cải hoán nâng cấp tàu cá, bởi lẽ Quảng Nam chỉ được phân bổ 92 tàu cá mới nhưng số tàu đăng ký đến thời điểm này đã tăng lên con số 150? “UBND tỉnh sẽ phê duyệt danh sách các ngư dân có thể được thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, việc giải ngân thuộc về 5 ngân hàng thương mại nên đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để có hướng dẫn cụ thể, qua đó các ngân hàng thương mại có căn cứ để quyết định các ngư dân được vay vốn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.
Đầu tư hậu cần
         Tại buổi làm việc, Quảng Nam đã có đề xuất với Bộ NN&PTNT về ưu tiên các dự án hạ tầng nghề cá được thực hiện theo Nghị định 67. Theo đó, đề nghị trung ương giải ngân để kiện toàn lại khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang và Tam Giang, Núi Thành), nâng cấp âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) và hình thành khu hậu cần nghề cá của tỉnh tại xã Tam Quang. “Theo phê duyệt, trung ương sẽ đầu tư toàn bộ kinh phí để Quảng Nam hoàn thành dự án khu neo đậu tránh trú bão tàu cá An Hòa. Do mới đầu tư được một nửa nên đến thời điểm này, việc sử dụng khu neo đậu chưa đảm bảo. Quảng Nam rất mong trung ương tiếp tục giải ngân để tỉnh tiếp tục đầu tư, hoàn thiện khu neo đậu tàu cá An Hòa, đảm bảo an toàn cho tàu cá vào neo đậu” - ông Ngô Tấn nói.
Về âu thuyền Hồng Triều, lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ vốn để kiện toàn lại công trình kết hợp với xây dựng bến cá Hồng Triều, đảm bảo thông suốt hậu cần nghề cá. Đối với khu hậu cần nghề cá xã Tam Quang, tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ 80 tỷ đồng để xây dựng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng đề xuất: “Hỗ trợ ngư dân vươn khơi khai thác xa bờ cần song hành với đầu tư đồng bộ hậu cần nghề cá bởi tính hiệu quả của nó. Việc giải ngân đầu tư các dự án hạ tầng nghề cá trên địa bàn tỉnh của trung ương sẽ giúp Quảng Nam nâng cao về chất cho nghề cá. Có vậy, việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ mới đem lại hiệu quả như kỳ vọng”.
          Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nhu cầu đóng mới và cải hoán nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của ngư dân Quảng Nam là rất lớn. Tuy vậy, con số 92 tàu cá phân bổ về địa phương là sát hợp bởi tuân theo nhiều quy định về quy hoạch chung và kế hoạch tái cơ cấu nghề cá của trung ương. “Số tàu khai thác xa bờ của Quảng Nam cần tăng đến bao nhiêu là đủ? Sản lượng khai thác hải sản xa bờ của địa phương có thể đạt đến mức nào? Số tàu cá của ngư dân Quảng Nam sản xuất tại các ngư trường nào? Căn cứ vào đó kết hợp với dự báo trữ lượng khai thác của cả nước, kế hoạch tái cơ cấu, quy hoạch chung mà chúng tôi khẳng định phân bổ 92 tàu cá cho Quảng Nam là sát hợp. Địa phương cần tăng cường tuyên truyền để ngư dân được thông suốt. Còn về trách nhiệm và quyền hạn của các ngân hàng thương mại trong việc quyết định ngư dân nào được vay vốn theo nghị định, chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để tham mưu Chính phủ có quy định “sàn” trong việc giải ngân vốn, đảm bảo công bằng cho ngư dân” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết. Về đầu tư hậu cần cho nghề cá của tỉnh, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, Quảng Nam nên dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lập nên các dự án cụ thể để Bộ NN&PTNT thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.
                                                                                               NGUYỄN QUANG VIỆT
 
twn Are you sure that you want to switch to desktop version?